Không phải bây giờ, nạn “đạo nhạc” mới bị phanh phui. Mấy năm về trước, kể cả một số nhạc sĩ đã có tên tuổi như Bảo Chấn, Quốc Bảo cũng đã bị “lên bờ xuống ruộng” khi dính nghi án mượn giai điệu của các ca khúc nước ngoài, nghiễm nhiên coi đó là sáng tạo của mình.
Sức sáng tạo âm nhạc ngày càng cạn kiệt?
Tưởng rằng người trong giới đã có những tấm gương tày liếp để trông vào nhưng thời gian gần đây, những chứng cứ “đạo nhạc” của một số nhân vật tiếp tục bị chính công chúng đưa ra ánh sáng khiến nhiều người nghi ngờ về sức sáng tạo ngày càng cạn kiệt đến mức phải lén lút vay mượn của những người sáng tác nhạc Việt và đáng buồn hơn, đó lại là những người trẻ mới bắt đầu bước vào con đường này.
Cái tên ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP những ngày gần đây đã không còn lạ lẫm với công chúng quan tâm tới âm nhạc nhờ màn biểu diễn bắt chước phong cách của anh trên sân khấu Gương mặt thân quen. Vụ khẩu chiến bảo vệ thần tượng của các fan hâm mộ chưa kịp nguội tắt thì lại xuất hiện nghi vấn cả ba bản hit của nam ca sĩ trẻ đều bị khán giả chỉ ra những điểm tương đồng về beat và giai điệu với các ca khúc quốc tế. Những ca khúc làm nên “thương hiệu” của Sơn Tùng M-TP như Em của ngày hôm qua, Cơn mưa ngang qua có sự tương đồng phần beat tương ứng với các ca khúc nhạc Hàn Quốc là Every night của nhóm nhạc EXID, Sarangi Mareul Deutjianha của nhóm nhạc Namolla Family.
Ca sĩ Sơn Tùng.
Trước đó, những ca khúc làm mưa làm gió trong các bảng xếp hạng nhạc Việt cũng lần lượt bị “khui” ra việc có giai điệu “vay mượn” của âm nhạc quốc tế như ca khúc Dành cho em do Hoàng Tôn sáng tác có phần beat giống với Only one love của nhóm The One (Hàn Quốc). Butterfly của Mr.T do Trang Pháp thể hiện bị phát giác sao chép nguyên phần beat bài Flower của nhóm B2ST... Không nhận sử dụng bất kỳ giai điệu nhạc ngoại nào để sáng tác ca khúc nhưng cả Sơn Tùng M-TP và Mr.T đều “giấu đầu hở đuôi” khi “thừa nhận việc sử dụng và lấy cảm hứng từ beat nhạc ngoại, bởi đó là cách làm quen thuộc hiện nay của nhiều người”. Trong khi các ca sĩ trên thế giới, kể cả diva Jennifer Lopez ghi rõ nguồn khi mượn beat để phổ lời thì các ca sĩ trẻ của Việt Nam coi đó là điều tất lẽ dĩ ngẫu, là món ăn sẵn mà chỉ việc ngồi vào bàn và “xơi”.
Vi phạm bản quyền và đạo đức nghề nghiệp
Những nhạc sĩ trẻ đã khẳng định được tên tuổi nhờ bộ sưu tập những ca khúc đáng giá như nhạc sĩ Hoài An, Dương Khắc Linh, Nguyễn Văn Chung đều khẳng định sử dụng beat nhạc nước ngoài, viết lời và khẳng định là “của riêng” của bản thân mình là một việc làm đáng trách, một hành động thể hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng với tác giả ca khúc gốc. Thậm chí nhạc sĩ Hoài An còn khẳng định việc nhạc sĩ - ca sĩ Việt tự ý lấy beat nhạc trên mạng là hành vi vi phạm bản quyền trong Luật Sở hữu trí tuệ. Nhẹ nhàng hơn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng đối với những người trẻ mới bước vào nghề, việc sáng tác dựa trên beat của các bài nhạc nước ngoài cũng là cách để họ lấy cảm hứng sáng tác nhưng việc biến đó thành thói quen “ăn sẵn” thì quả là một điều tai hại.
Vụ việc “động trời” của Sơn Tùng M-TP chưa kịp lắng xuống thì mới đây, nhạc sĩ Huy Tuấn lại tiếp tục dính nghi án đạo nhạc. Người nghe nhạc chỉ ra ca khúc Chờ người nơi ấy có phần beat nhạc khá giống đoạn đầu bài Opera số 1 của ca sĩ người Nga Vitas. Cụ thể, hai câu đầu trong sáng tác của ca sĩ người Nga khá giống với hai câu đầu của Chờ người nơi ấy. Điều đáng nói, Huy Tuấn chính là giám đốc âm nhạc của công ty quản lý Sơn Tùng M-TP, không lâu trước đó đã có hành động quyết định rút các bài hát vướng nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng ra khỏi các bảng xếp hạng, xem như bài học cho học trò phát triển hơn về sau. Việc ca khúc Chờ người nơi ấy của nhạc sĩ Huy Tuấn đứng trước nguy cơ bị quy kết đạo nhạc đã phân ra hai luồng ý kiến. Trong khi một bộ phận công chúng cho rằng ca khúc giống y chang giai điệu ca khúc của ca sĩ người Nga, một bộ phận khác lại kết luận chỉ giống giai điệu mấy câu đầu. Cuộc phân tranh vẫn chưa ngã ngũ, nhiều nhạc sĩ như Đằng Phương, Nguyễn Văn Chung, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã lên tiếng bênh vực Huy Tuấn nhưng sự việc này vô tình khiến công chúng càng tiếp tục vơi hụt niềm tin vào sức sáng tạo đang có chiều hướng đi xuống của những người sáng tác nhạc Việt.
Rõ ràng sáng tác nhạc Việt đang có vấn đề, công chúng đang hoang mang trước nguy cơ tiếp tục đối diện những “cú sốc” từ tình trạng làm thui chột khả năng sáng tạo độc lập của những người sáng tác âm nhạc.
HẠNH DUNG