Người mắc bệnh có biểu hiện qua ảo tưởng và hành vi tự cao tự đại, khát vọng được người khác ngưỡng mộ, tham vọng thành công chói sáng trong mọi lĩnh vực và thiếu sự đồng cảm với người khác.
Rối loạn nhân cách này gắn liền với tính vị kỷ (Egocentrism). Bệnh còn có tên gọi khác là Rối loạn nhân cách ái kỷ hay rối loạn nhân mãn. Hay nói đơn giản là chứng ái kỉ là hội chứng yêu bản thân quá mức với 3 biểu hiện rõ nét như sau: thiếu đồng cảm với người khác, thiếu khả năng kiểm soát ham muốn và không có khả năng rút kinh nghiệm.
Cụ thể, những người bị bệnh này thường có các triệu chứng sau:
- Phản ứng gay gắt khi nhận được những lời nhận xét không hay hoặc cảm thấy tức giận, xấu hổ khi bị chỉ trích;
- Lợi dụng người khác để đạt được mục tiêu của mình;
- Thổi phồng tài năng và khả năng của mình;
- Luôn mong muốn mọi người chú ý và ngưỡng mộ mình;
- Phớt lờ hoặc không có sự đồng cảm với người khác;
- Hay ảo tưởng về sự thành công của bản thân và nhạy cảm quá mức với những thất bại của mình.
Nhà tâm lý học Kluger cho rằng trẻ em mắc chứng ái kỉ thường tham lam, đòi hỏi, bạo lực, ích kỷ, nông nổi và thường thì không biết ăn năn hối lỗi là gì. Chúng đòi người khác phải chiều chuộng mình nhưng không quan tâm tới người khác, chúng chỉ muốn được thưởng nhưng đến khi bị phạt thì la làng.
Đặc biệt, các nhà khoa học cảnh báo về sự bùng phát “đại dịch ái kỷ” trên mạng xã hội trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển nóng như hiện nay. Những trường hợp yêu bản thân quá mức, không thể đủ dũng cảm nhận ra sai lầm của chính mình (vô cùng khó khăn trong việc nhận ra sai lầm), ảo tưởng quá nhiều về khả năng của mình (giới trẻ gọi là ảo tưởng sức mạnh), thiếu sự đồng cảm với người khác, thích đòi hỏi và ít chịu cống hiến làm việc vì coi đó không phải là công việc xứng đáng dành cho mình.