Cụ bà L.T.H (86 tuổi, Vĩnh Long) đến BVĐK tỉnh Vĩnh Long ngày 13/9/2022 trong tình trạng khó thở. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, tai biến mạch máu não nằm một chỗ 5 năm, điều trị không liên tục.
Cách ngày nhập viện 2 ngày người bệnh lên cơn khò khè, vã mồ hôi, khó thở, gia đình có mua thuốc (không rõ loại) cho bệnh nhân uống nhưng tình trạng không thuyên giảm. Người bệnh ngày càng khó thở tăng dần, tím tái đầu chi, lơ mơ nên gia đình đưa vào viện cấp cứu.
Thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc hồng, không phù, không xuất huyết dưới da, phổi rale nổ, ẩm rải rác hai bên phế trường, liệt người trái, ho có đờm đục, khó thở không giảm, SpO2 giảm 90-92%, huyết áp 100/60mg…
Sau thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi kèm di chứng tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, suy mòn….
Người bệnh được chỉ định thở oxy mask, sử dụng thuốc kháng sinh nhưng tình trạng không giảm, bệnh lơ mơ, thở co kéo, SpO2 85%, tràn dịch màng phổi, ê kíp nhanh tiến hành đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập cho bệnh nhân… Hiện tại bệnh nhân tỉnh, phù toàn thân và tiếp tục được thở máy…
Với ca bệnh này các bác sĩ BVĐK tỉnh Vĩnh Long xin ý kiến các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai hướng điều trị có nên mở thông khí quản cho bệnh nhân hay không, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân nên thực hiện thế nào để tránh nguy cơ viêm phổi tái phát do sặc.
Qua báo cáo của BVĐK tỉnh Vĩnh Long và các hình ảnh chụp X-quang phổi của bệnh nhân, BSCKII Ngô Quang Định – Trung tâm Điện quang (BV Bạch Mai) cho biết: Với người tổn thương phổi có tiền sử tăng huyết áp lại là là người cao tuổi nguy cơ tổn thương não nặng lên do thiếu máu, do vậy cần cân nhắc đánh giá huyết áp chính xác, huyết áp nền là bao nhiêu để duy trì huyết áp đảm bảo máu não cho bệnh nhân, chứ không đưa huyết áp về bình thường bởi nguy cơ tổn thương não nặng lên.
Trường hợp này bệnh nhân nằm một chỗ do vậy nên mở khí quản để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân sau này.
Về lâu dài để đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân cần mở thông dạ dày, việc mở khí quản chỉ đảm bảo về mặt hô hấp, hiện tại bệnh nhân duy trì ăn qua xông tuy nhiên biện pháp này chỉ thực hiện được trong thời gian ngắn.
BS. Trần Thị Thắm – Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, với tình trạng bệnh nhân nằm lâu, có tình trạng ý thức lơ mơ, tai biến mạch máu não nên mở thông dạ dày, tá tràng mới nuôi bệnh nhân được lâu dài. Nên nuôi bệnh nhân bằng súp hoặc sữa. Trong quá trình nuôi nên bổ sung các vitamin nhóm B cho người bệnh.
Để tránh trường hợp sặc, cần đánh giá khả năng nuốt của bệnh nhân bởi nếu nếu bệnh nhân bị sặc tái lại sẽ gây tổn thương phổi, do vậy cần tập phục hồi chức năng xem bệnh nhân có nuốt được không mới cho chỉ định thông dạ dày để nuôi dưỡng lâu dài.
Chủ trì buổi hội chẩn từ xa, PGS. TS Đặng Quốc Tuấn – Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, nên tập phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân bằng cách để bệnh nhân ngồi trên ghế sofa để thở máy hoặc ngồi trên giường lưng không tựa vào tường giúp đảm bảo thông khí tốt hơn. Tiến hành ép ngực, vỗ rung, hút đờm, nếu đờm đặc quánh khó hút cần khí dung cho loãng đờm để dễ hút…
Bằng biện pháp phục hồi chức năng nếu tình trạng khó thở của bệnh nhân không đỡ thì mới nghĩ đến phương án mở khí quản.
Mở khí quản chỉ được thực hiện khi đã giải quyết tình trạng xẹp phổi của bệnh nhân bằng tất cả những công cụ có trong tay nhưng không cải thiện, hoặc bệnh nhân tốt lên đã hết viêm phổi nhưng không cai thở máy thành công.
Với trường hợp bệnh nhân này nên giải quyết tình trạng xẹp phổi, sau đó tiến hành cai thở máy, nếu cai thành công sẽ rút ống thở, nếu không được thì mới mở khí quản.
Tuy nhiên về lâu dài việc mở khí quản cho bệnh nhân nên cân nhắc vì bệnh nhân nằm liệt lâu ngày rất dễ bị sặc. Do vậy khi mở khí quản để mở đường thở tránh cho bệnh nhân tái lại viêm phổi sau này nên mở thông dạ dày tránh nguy cơ sặc.