Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 và của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiều ngày 29/7, tại Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 đã diễn ra hội chẩn quốc gia về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị tại BV Đà Nẵng và BV Trung ương Huế
Chủ trì hội chẩn tại điểm cầu Trung tâm có PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh. Cuộc hội chẩn được kết nối với các điểm cầu BV Đà Nẵng, BV Trung ương Huế, BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2, BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh; BV Bạch Mai; BV Phổi TW; BVĐK TW Quảng Nam; BV C Đà Nẵng; BVĐK Nghệ An
Cùng dự buổi hội chẩn có các chuyên gia đầu ngành như GS.TS Nguyễn Gia Bình, GS.TS Ngô Quý Châu, GS.TS Phạm Như Hiệp, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo, các chuyên gia về hồi sức, cấp cứu, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh...
6 ngày, 4 cuộc hội chẩn quốc gia về điều trị
Phát biểu tại cuộc hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, đây là lần thứ 4, trong 6 ngày qua và 3 ngày liên tiếp, tình hình sức khoẻ các bệnh nhân COVID-19 nặng nói riêng và các bệnh nhân COVID-19 nói chung ở BV Đà Nẵng cũng như công tác điều trị, xét nghiệm, cách ly, các biện pháp chống dịch trong các cơ sở y tế tại Đà Nẵng... được báo cáo chi tiết tại các cuộc hội chẩn trực tuyến quốc gia...
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng GS.TS Ngô Quý Châu tại điểm cầu Trung tâm
Cũng tại buổi hội chẩn kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ này (bắt đầu từ 15h-18h20), các chuyên gia đã cùng chia sẻ, bàn thảo về phương án điều trị cho bệnh nhân 433 tại BVĐK TW Quảng Nam, ca bệnh 449 tại BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh
Đã có 2 bệnh nhân tại BV Đà Nẵng can thiệp ECMO
Báo cáo từ điểm cầu BV Đà Nẵng, TS Lê Đức Nhân- Giám đốc BV cho biết, BV Đà Nẵng có 5 bệnh nhân COVID-19 nặng, các bệnh nhân này đều có bệnh lý nền là suy thận mãn, tăng huyết áp, Gout, tim mạch, COPD, thậm chí có cả bệnh ung thư.
Ngay trong đêm qua, BV Đà Nẵng đã chuyển 2 bệnh nhân số 436 và 438 ra điều trị/cách ly tại BV TW Huế cơ sở 2.
Trong số 3 bệnh nhân nặng còn lại, ngoài bệnh nhân 416 đã can thiệp ECMO được 6 ngày, chiều ngày 29/7, trước diễn biến sức khoẻ của bệnh nhân 437 (61 tuổi có nhiều bệnh nền như suy thận mạn, tăng huyết áp, gout, thiếu máu, suy tim, suy kiệt, rung nhĩ đã đốt điện sinh lý), ekip điều trị và các chuyên gia đã tiến hành can thiệp ECMO cho bệnh nhân này.
Như vậy, đến thời điểm này, đã có 2 bệnh nhân COVID-1 nặng, nhiều bệnh nền đang điều trị tại BV Đà Nẵng đã can thiệp ECMO.
Bệnh nhân 418 tình hình sức khoẻ chưa có nhiều tiến triển dù các chỉ số thông khí, oxy vẫn đảm bảo, nhưng chỉ số nhiễm trùng tăng lên so với 2 ngày trước. Tuy nhiên bệnh nhân này vẫn chưa cần can thiệp ECMO.
Các chuyên gia và các điểm cầu tham gia buổi hội chẩn quốc gia lần 4
TS Nhân cũng cho biết cả 3 bệnh nhân này đều đã được lấy mẫu xét nghiêm lần 2 và vẫn cho kết quả dương tính với SARS-COV-2.
Báo cáo về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân nặng số 436 ( viêm phổi, suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối) và bệnh nhân số 438 (viêm phổi nặng trên nền bệnh tăng huyết áp đã 4 năm và điều trị không thường xuyên, COPD), từ điểm cầu BV TW Huế cơ sở 2, GS.TS Phạm Như Hiệp cho biết, ngay sau khi tiếp nhận 2 ca bệnh này, Ban lãnh đạo BV cùng các chuyên gia đã lên phương án điều trị, chỉ định sử dụng thuốc theo diễn biến sức khoẻ. Hiện cả hai bệnh nhân này đang tiếp tục thở máy, duy trì an thần.
Tuyệt đối không được chủ quan trong theo dõi, điều trị bệnh nhân
Liên quan đến việc điều trị các ca bệnh này, tại buổi hội chẩn, các chuyên gia ở các điểm cầu đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm điều trị khoa học, đồng thời bổ sung những chỉ định điều trị về thuốc, xét nghiệm... nhằm cùng đưa ra giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Về đề nghị của BV Đà Nẵng sẽ tiếp tục chuyển bệnh nhân nặng, có bệnh nền ra BV TW Huế điều trị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu BV TW Huế nhanh chóng sắp xếp khoa phòng, lắp đặt, sắp xếp lại trang thiết bị để “chia lửa” điều trị với BV Đà Nẵng.
Trong trường hợp BV TW Huế cần hỗ trợ gì báo cáo ngay Bộ Y tế để có phương án xử lý kịp thời, tất cả vì nỗ lực cao nhất để điều trị người bệnh hiệu quả.
Nhấn mạnh tại buổi hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu các BV tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị COVID-19, bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, lơ là một chút là bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh.
Phía BV TW Huế cho biết, bắt đầu từ ngày mai sẽ có thể nhận được một số bệnh nhân chạy thận của Đà Nẵng chuyển ra. BV có thể chạy thận được cho 9 người bệnh chia làm 3 ca/ngày.
Liên quan đến bệnh nhân 433 đang điều trị tại BVĐK TW Quảng Nam tại buổi hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cùng các chuyên gia đề nghi ê kíp điều trị cần theo dõi sát bệnh nhân, chú ý tuyệt đối không được chủ quan.
Ngay trong sáng mai, đoàn công tác của BV Bạch Mai do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn –Giám đốc BV sẽ vào BVĐK TW Quảng Nam để hỗ trợ điều trị và sắp xếp lại hệ thống xét nghiệm cho BV.
"Cuộc chiến phòng chống COVID-19 còn dài, phía trước còn rất nhiều thách thức nên đầu tiên chúng ta phải bảo vệ các y bác sĩ và nhân viên y tế để còn có người điều trị cho bệnh nhân.
Do đó, các BV tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị COVID-19, bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, lơ là một chút là bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Chúng ta phải nỗ lực cao nhất, không để có bệnh nhân tử vong."- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói