Trước đó, chiều chủ nhật ngày 31/03/2019, khoa Cấp cứu Bệnh viện huyện Cần Giờ tiếp nhận một bệnh nhân nữ 58 tuổi bị đau tức ngực, ói mửa và ngất. Bác sĩ trực chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và đang trong tình trạng nguy kịch: huyết áp tụt (80/60mmHg), nhịp tim chậm (40lần/phút), điện tâm đồ có hình ảnh nhồi máu cơ tim cấp thành dưới.
Ngay lập tức, các bác sĩ trực tại BV Cần Giờ liên lạc với bác sĩ chuyên khoa tim mạch đang trực tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chụp hình ảnh ECG gửi qua tin nhắn Viber để xác định chẩn đoán nhồi máu cơ tim, đồng thời thực hiện ngay can thiệp cấp cứu tại chổ sau khi được tư vấn chuyên môn với thuốc kháng đông, kháng kết tập tiểu cầu, vận mạch và truyền dich để nâng huyết áp. Đồng thời chuẩn bị xe cứu thương với đầy đủ các phương tiện thuốc men và sẵn sàng máy sốc điện trên xe.
Các bác sĩ đang đặt stent trên động mạch vành phải cho bệnh nhân.
Trên đường chuyển viện, bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp tục nhận tin và hình ảnh ECG của bệnh nhân từ bác sĩ đi chuyển viện và cho ý kiến tiếp tục qua Viber.
Xe cứu thương đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương lúc 15g30, bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch và được đưa ngay đến đơn vị can thiệp tim mạch đã có bác sĩ chuyên khoa tim mạch chờ sẵn, ngay lập tức được tiếp tục hồi sức tim mạch và tiến hành chụp động mạch vành, kết quả cho thấy tắc đoạn gần động mạch vành phải và hẹp nặng 2 nhánh còn lại, ngay lập tức bệnh nhân được can thiệp đặt 1 stent trên động mạch vành phải.
Ngay sau khi được can thiệp đặt stent mạch vành, bệnh nhân tỉnh táo, hết đau ngực, mạch, huyết áp trở về bình thường và ngưng sử dụng thuốc vận mạch.
Được biết, hệ thống zalo và viber là công cụ để kết nối các nhóm làm việc với nhau một cách nhanh nhất, chạy đua với thời gian, đáp ứng trong khung giờ vàng cấp cứu điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Khi có bệnh nhân đến viện, bác sĩ sẽ sử dụng điện thoại để đăng tải tất cả hình ảnh của bệnh nhân lên nhóm, viber hoặc zalo. Các bác sĩ khác dù có mặt tại bệnh viện hay không đều có thể biết được tình trạng bệnh nhân, từ đó, hội chẩn nhóm và đưa ra quyết định rất nhanh, không mất thời gian các khâu trình bày, hội chẩn, xét nghiệm,...Mục tiêu chính là giúp bệnh nhân được tiếp cận điều trị thời gian ngắn tối đa khi khởi phát cơn đột quỵ, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.
Theo đó, Sở Y tế giao BV Nguyễn Tri Phương hỗ trợ toàn diện cho bệnh viện huyện Cần Giờ từ công tác quản trị bệnh viện đến chuyên môn về cấp cứu-hồi sức, ngoại khoa, nội khoa. Hiện nay, mỗi ngày đều có các bác sĩ của BV Nguyễn Tri Phương và các bệnh viện chuyên khác luân phiên đến Cần Giờ để cùng với các bác sĩ của BV huyện trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.