Bài học đắt giá cho các gia đình
Liên quan đến vụ cháu bé bị siết cổ, giấu vào tủ cấp đông xảy ra tại Hà Nam vừa qua, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tâm lý tội phạm học) phân tích, về phía đối tượng Nguyễn Trường Giang (25 tuổi) chưa có tiền án, tiền sự và quá trình sinh sống ở địa phương rất bình thường. Đồng thời, giữa Giang và cháu bé hơn 3 tuổi thì không thể có mâu thuẫn và đối tượng đang thuê nhà của gia đình nên càng không phải mâu thuẫn thù tức gì.
Do đó, việc Giang gây án đây là "bước chuyển" tâm lý, lỡ làm cái này rồi thì phải tiếp tục làm cái kia… Đây cũng là trạng thái tâm lý khá phổ biến trong các vụ án, điển hình là vụ hiếp dâm. Sau khi gây án xong, hung thủ lo sợ bị nạn nhân đe dọa tố cáo công an nên giết người diệt khẩu.
"Hành vi của Giang bị thúc đẩy từ bên trong bởi nỗi sợ sau khi trót đánh cháu bé và sợ cháu mách ông bà khiến việc làm của mình bại lộ sẽ phát sinh mâu thuẫn có thể dẫn đến việc bị người nhà cháu đánh, không cho thuê nhà nữa… nên đối tượng đã ra tay với nạn nhân", ông Hiếu nói và cho rằng, sự dẫn dắt tâm lý của Giang lúc đó do nỗi sợ hãi và sự chi phối bởi sự ngu dốt vì thiếu kỹ năng xử lý tình huống.
Ông Hiếu đánh giá, động cơ mục đích của đối tượng nhằm tước đi mạng sống của cháu bé nên cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can về tội Giết người là hoàn toàn chính xác.
"Bởi Giang đã thực hiện hết dấu hiệu khách quan của tội phạm giết người, còn nạn nhân không tử vong là việc ngoài ý muốn của đối tượng" ông Hiếu phân tích.
Biên kịch bộ phim truyền hình "Bão Ngầm" cũng cho rằng, đây cũng là bài học đắt giá cho các gia đình, người lớn cần phải có trách nhiệm hơn với trẻ em. Phải luôn để trẻ em trong tầm mắt của mình.
Công tác bảo vệ trẻ em cần phải thực hiện quyết liệt hơn
Cùng trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, ông Hà Đình Bốn, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: "Trong vụ việc trên, rất may mắn, gia đình qua việc kiểm tra camera an ninh đã biết được sự việc và đưa bé ra khỏi tủ cấp đông kịp thời, đi cấp cứu ngay trong đêm. Đến hiện tại, sức khỏe của cháu bé đã ổn định được xuất viện. Tuy nhiên hành vi tàn ác của đối tượng cần phải xử lý nghiêm minh".
Theo ông Bốn, sau sự việc bé trai 3 tuổi sẽ không tránh được những sang chấn tâm lý, khủng hoảng tinh thần. Do vậy rất cần sự hỗ trợ về mặt pháp lý, tâm lý xã hội cũng như sự quan tâm, chăm sóc của người thân.
"Phía Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẵn sàng cử luật sư (là thành viên của Hội) để tham gia bảo vệ quyền lợi miễn phí cho cháu bé và gia đình nếu như có đề nghị", Hà Đình Bốn chia sẻ.
Trước tình hình tội phạm bạo hành trẻ em vẫn đang diễn ra phức tạp, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kiến nghị các tổ chức, đoàn thể phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ trẻ em.
Trước hết, gia đình phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, đề cao cảnh giác mọi hành vi xâm hại đến trẻ em, luôn theo dõi sát sao không lơ là sao nhãng trẻ em để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Các cơ quan liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em phải đề cao hơn nữa trách nhiệm, làm quyết liệt hơn. Đối với những hành vi đã xâm hại, bạo lực đối với trẻ em thì phải kịp thời xử lý nghiêm minh, thích đáng để răn đe.
"Chúng ta phải đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ hành chính đến hệ thống luật pháp. Hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện vật chất, tâm lý xã hội cho trẻ em những nơi khó khăn. Công tác bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị, cả xã hội và gia đình", ông Bốn nhấn mạnh.
Xem thêm video:
Manh mối quan trọng tìm thấy bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông