Hồi âm bài báo: “Ngân hàng thu hồi nợ ở 756 Quang Trung, Hà Ðông, Hà Nội - Vượt mặt cơ quan công quyền?”

13-04-2016 08:14 | Pháp luật
google news

SKĐS - Sau khi báo Sức khỏe&Đời sống số 59 ngày 11/4/2016 đăng tải bài “Ngân hàng thu hồi nợ ở 756 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội - Vượt mặt cơ quan công quyền?”

Sau khi báo Sức khỏe&Đời sống số 59 ngày 11/4/2016 đăng tải bài “Ngân hàng thu hồi nợ ở 756 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội - Vượt mặt cơ quan công quyền?”, phản ánh về vụ việc Ngân hàng cưỡng chế thu hồi nợ tại ngôi nhà ở địa chỉ trên gây nhiều phản ứng, chúng tôi đã nhận được thông tin phản hồi từ phía Ngân hàng nhằm giải đáp vấn đề này, đồng thời phía gia đình ông Minh cũng đưa ra những chứng cứ phản bác.

Theo phía ngân hàng thì: “Ông Đặng Thế Minh và bà Lã Thị Lệ Thủy (chủ ngôi nhà) đã ký kết 2 hợp đồng tín dụng với Ngân hàng và đảm bảo bằng 02 tài sản trong đó có ngôi nhà số 756 Quang Trung.  Nhưng do khách hàng  không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình, ngày 25/7/2013, Ngân hàng đã khởi kiện ông Minh, bà Thủy và các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại Tòa án quận Hà Đông”.

Hồi âm bài báo: “Ngân hàng thu hồi nợ ở 756 Quang Trung, Hà Ðông, Hà Nội - Vượt mặt cơ quan công quyền?”- Ảnh 1.

Một số giấy tờ liên quan đến vụ việc.

Sau đó, Ngân hàng đã rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với tài sản bảo đảm của ông Minh và  bà Thủy tại quận Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội. Ngày 26/9/2015, Tòa án nhân dân quận Hà Đông đã chấp thuận yêu cầu của Ngân hàng và gửi thông báo cho Ngân hàng cũng như các bên liên quan, trong đó có ông Minh, bà Thủy cùng luật sư của ông bà. Do đó, Ngân hàng hoàn toàn có quyền thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo của khách hàng tại Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.

“Trước khi tiến hành thu giữ tài sản vào ngày 6/4/2016, Ngân hàng đã gửi kế hoạch thu giữ đến chính quyền địa phương. Khi cán bộ Ngân hàng tiến hành thu giữ, cũng đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương và các cán bộ công an đã xuống hiện trường xem xét. Nhưng do hai bên không có hành vi bạo động nào, không có hành vi trái pháp luật nào, nên cán bộ công an không tham gia việc dân sự giữa hai bên”.

Lên tiếng về “Đội đặc nhiệm” của mình, Ngân hàng cho biết: “Việc thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản, được triển khai cùng lực lượng bảo vệ của ngân hàng, nhiệm vụ là bảo vệ tài sản, bảo vệ cán bộ, nhân viên ngân hàng. Trang phục của đội bảo vệ không trái với quy định pháp luật hiện hành, cũng như trang bị công cụ của bảo vệ đều được cấp phép của cơ quan chức năng. Trong quá trình thực hiện hoạt động thu giữ tài sản, nhân viên không có bất cứ hành vi bạo lực nào đối với người, không có hành vi phá nhà dân”.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, luật sư của gia đình ông Đặng Thế Minh lại có những thông tin phản bác, ông cho rằng việc áp dụng NĐ 163/2016/NĐ-CP và TT 16/2014/TTLT-BCA-BTP-NHNN để trực tiếp thu giữ tài sản đảm bảo do Ngân hàng thực hiện là đúng pháp luật, nếu Hợp đồng thế chấp không bị tranh chấp tại tòa án.

Luật sư cũng đã đưa ra Thông báo số 93a/2015/TBTL-TA vào ngày 27/10/2015 (trước khi Ngân hàng thực hiện việc cưỡng chế) của Tòa án quận Hà Đông ban hành về việc Thụ lý vụ án (bổ sung), nêu rõ tranh chấp Hợp đồng thế chấp nhà 756 Quang Trung đã được tòa thụ lý trở lại theo phản tố của bị đơn. Và như vậy, khi tranh chấp liên quan đến tài sản đang được tòa giải quyết, việc đương sự tự mình cưỡng chiếm tài sản là không tuân thủ pháp luật.

Thêm vào đó, luật sư của gia đình ông Đặng Thế Minh cũng cho rằng, Ngân hàng tuyên bố không có bạo động là không chính xác, trong sự kiện ngày 23/12/2015, ông Minh bị xô xát phải nhập viện và có giấy chứng thương,  Công an phường đã lập biên bản, Công an quận vào tận bệnh viện lấy lời khai và giấy chứng thương.

Nhằm đảm bảo thông tin khách quan nhất, chúng tôi sẽ thông tin đến độc giả ý kiến của cơ quan chức năng và các luật gia khi có những diễn biến mới tiếp theo.


XH - BĐ
Ý kiến của bạn