Hòe hoa hỗ trợ trị tăng huyết áp, xuất huyết

SKĐS - Hòe hoa là nụ của cây Hoè (Sophora japonica L.) = (Styphnolobium japonicum (L.) Schott.), thuộc họ Đậu (Fabaceae).

Nụ hoa hòe và quả chín già (hòe giác) được dùng làm thuốc. Thu hái vào mùa hạ, khi hoa sắp nở, làm khô nhanh chóng, trừ bỏ tạp chất, cành nhánh.

Cách chế biến: Hoè hoa: sàng sảy sạch tạp chất, trừ bỏ cành còn sót lại là được. Sao hoè hoa: lấy hoè hoa sạch, cho vào nồi, sao bằng lửa nhỏ cho đến khi màu hơi vàng lấy ra, để nguội là được. Hoè hoa thán: lấy hoè hoa đã sàng sảy sạch, cho vào nồi, dùng lửa mạnh đun nóng mà sao đến khi 8/10 phần thành màu đen, nhưng phải tồn tính, phun ướt bằng nước lọc trong, lấy ra, phơi khô là được.

Hòe hoa chủ yếu chứa flavonoid (rutin, quercetin…). Rutin chủ yếu ở nụ hoa (trên 20%), quả 0,2 – 0,5%, hạt 5 – 6%. Nụ hòe chứa betulin, sophoradiol, sophorin A, B, C và sophorose. Quả hòe chứa genistein, sophoricosid, sophorsbiosid... Hạt chứa alcaloid (0,035%), chất béo (8-24%) và galactomanan. Rutin và quercetin đều có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giảm tính thẩm thấu của mao mạch, phục hồi tính đàn hồi của mao mạch đã bị tổn thương

Theo Đông y, hoè hoa vị đắng, tính bình; vào kinh can và đại tràng. Có tác dụng lương huyết chỉ huyết, thanh can tả hỏa. Chữa đại  tiện ra máu, trĩ ra máu, tiểu ra máu, chảy máu cam, xuất huyết dưới da…; can nhiệt gây mắt đỏ, đau đầu chóng mặt, tăng huyết áp... Hoè hoa có tác dụng cầm máu mạnh hơn, hòe giác có tác dụng thanh nhiệt mạnh hơn và thiên về hạ giáng nên chữa trĩ tốt hơn hoè hoa. Ngày dùng 6 - 20g.

Hoa hòe tác dụng thanh can tỏa hỏa, lương huyết chỉ huyết, trị đau đầu chóng mặt, tăng huyết áp, các chứng xuất huyết...

Hoa hòe tác dụng thanh can tỏa hỏa, lương huyết chỉ huyết, trị đau đầu chóng mặt, tăng huyết áp, các chứng xuất huyết...

Một số bài thuốc có dùng hòe hoa

Lương huyết, cầm máu:

Bài 1: hòe hoa sao, tán bột. Mỗi lần dùng 12g, uống với nước gạo nếp (ngậm trong miệng vài phút trước khi nuốt). Trị ho ra máu, khạc ra máu.

Bài 2: hoè hoa 12g, bách thảo sương 4g. Các vị nghiền bột, chiêu bằng nước sắc bạch mao căn. Trị nôn ra máu.

Bài 3: hòe hoa, ô tặc cốt, liều lượng bằng nhau, nửa để sống, nửa sao. Tán bột thổi hoặc rắc vào. Trị chảy máu không cầm.

Thanh tràng, tiêu trĩ:

Bài 1: hòe hoa 40g (nửa để sống, nửa sao), chi tử 20g. Các vị tán bột, mỗi lần dùng 8g, uống với nước. Trị tiểu ra máu do ngộ độc rượu.

Bài 2: hòe hoa sao, tán bột. Ngày 3 lần, mỗi lần uống 12-15g với 1 chén rượu. Trị lỵ ra máu, trĩ ra máu.

Bài 3: hoè hoa 12g, than trắc bách 12g, kinh giới 8g, chỉ xác 12g. Các vị nghiền thành bột, chiêu với nước đun sôi hoặc sắc uống. Trị đại tiện ra máu.

Bài 4: hòe giác sao đen 100g, kim ngân hoa 100g, cam thảo dây 12g, nghệ vàng 12g. Tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g, uống lúc đói. Chữa trĩ nội, viêm ruột.

Trị tăng huyết áp

Bài 1: hoè hoa 20g, hy thiêm thảo 20g. Sắc uống. Trị tăng huyết áp.

Bài 2: hòe hoa 10g, lá sen 10g, ngó sen 5g, cúc hoa 5g. Các vị sắc với 700ml nước lấy 300ml, uống 2 lần trong ngày. Dùng  10 ngày. Tác dụng hỗ trợ điều trị tăng huyết áp

Trị băng huyết

Bài 1: hòe hoa thán 15g, tề thái 15g, mã xỉ hiện 15g, ô tặc cốt nung 12g, xuyến thảo (sao đen) 12g, địa du thán 12g, tiểu kế 12g, bồ hoàng thán 10g, cam thảo 5g. Sắc uống. Trị băng huyết cơ năng tốt hơn băng huyết có tổn thương thực thể.

Bài 2: hòe hoa sao 100 -120g, hoàng cầm 80g. Các vị tán bột, mỗi lần uống 20g với 1 chén rượu nóng. Trị băng huyết không cầm.

Kiêng kỵ: Người hư hàn và phụ nữ có thai không được dùng.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn