Bởi thường khi chọn một ngành nghề nào thì cũng có ai đó đi trước đỡ đầu sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Còn tôi, trong gia đình, dòng họ trước giờ chưa ai làm bác sĩ. Tôi biết làm sao đây?
Học tiếng Anh hay tiếng Pháp?
Học tiếng Anh hay Pháp ngay khi bước chân vào giảng đường y khoa không chỉ là một lựa chọn khó đối với tôi mà còn đối với hầu hết các bạn sinh viên. Nhớ lại cách đây 10 năm, mới biết được cảm giác ngồi ghế giảng đường như thế nào thì thầy cô đã bắt phải chọn môn ngoại ngữ để học. Cầm điện thoại nhắn tin hỏi chú là một kỹ sư cơ khí rằng nên chọn học gì? Chú trả lời học tiếng Pháp đi, thuốc men tiếng Pháp nhiều lắm! Thế là công trình học Anh văn hệ 7 năm giờ bỏ hết, học tiếng Pháp.
Qua năm thứ 2 đi học, được học 1 buổi duy nhất với cô phó chủ nhiệm phân môn tiếng Pháp. Cô thật lòng: Tụi em đi học tiếng Anh gấp cho cô, cô đi phiên dịch cho đoàn chuyên gia Pháp mà “quê” lắm vì họ nói tiếng Anh trực tiếp với đoàn bác sĩ bệnh viện luôn. Đấy, cô giáo bộ môn dạy tiếng Pháp còn khuyên thế. Thời đại này biết nhiều ngoại ngữ là quá tốt nhưng không học tiếng Anh tốt trước thì là lỗi của chính bản thân mình. Tất nhiên, không phủ nhận vai trò của tiếng Pháp, chỉ là trong nhà không có người định hướng mà thôi!
Cần có định hướng đúng đắn ngay từ khi bạn bắt đầu trở thành sinh viên trường y.
Định hướng chuyên môn vất vả
Chuyện thật như đùa nhưng với nhiều bạn đã cầm tấm bằng tốt nghiệp y khoa trên tay vẫn còn chưa biết mình nên đi đâu về đâu, chọn ngành nào là phù hợp. Trái lại, số lớn các bạn ngay từ lúc vào trường đã nhắm thẳng đích, cứ thế mà tiến về con đường tương lai. Các bạn này đã biết chút ít về y khoa hoặc có những tấm gương sáng trong gia đình để noi theo.
Còn với mình, con đường định hướng về chuyên môn là do mình đi theo các bác sĩ trong bệnh viện. Tham khảo các anh chị đi trước, rồi xem bản thân thực sự thích hợp với chuyên ngành gì rồi lại chọn, lại lóc cóc mày mò cách đi và làm quen với ngành nghề và cuối cùng thì cũng chọn được hướng đi phù hợp. Như vậy, các bạn cũng như tôi, không cần phải có ba mẹ hay anh chị làm bác sĩ mới có thể chọn được con đường đi cho mình.
Năm nhất đã định hướng sẽ thi nội trú/USMLE
Đó là câu chuyện của các bạn sinh viên trường y được tư vấn tận tình bởi người thân quen làm bác sĩ hoặc người thân giảng dạy trong trường. Còn với tôi, mãi tới năm Y3 hoặc Y4 gì đó vẫn còn mơ hồ thế nào là bác sĩ nội trú. Khái niệm USMLE (United States Medical Licensing Examination - chương trình trao đổi văn bằng bác sĩ tại Mỹ) thì quá xa vời, giờ còn chẳng thể hiểu hết. Thế mà ngay năm nhất, một số bạn đã định hướng “tôi sẽ thi nội trú”, thật là ngưỡng mộ các bạn! Tôi để ý cách học của các bạn đó học sẽ khác: Điểm số luôn phải cao. Kể cả khi trực, nhưng sắp đến kỳ thi là các bạn xin nghỉ trực để học bài... Đó là những chiến lược về hoàn thiện điểm số mà các bạn ấy chọn. Các bạn ấy đã sớm nhận diện được sự quan trọng của việc trở thành bác sĩ nội trú nên rất cố gắng để có điểm số tốt từ đầu. Còn với suy nghĩ của riêng mình, nếu bạn nào thi điểm thấp là do nội lực bạn chưa biết cách làm bài thi tốt thôi.
Nên là có người dìu dắt trong gia đình, bạn sẽ có được một mục tiêu dài hạn để hướng tới.
Nhiều người đã vượt khó và trở thành bác sĩ đầu tiên trong dòng họ
Trong đó có mình, mặc dù tự bơi, không ai dìu dắt nhưng nó cũng không thật sự là quan trọng, đích đến vẫn là tấm bằng qua 6 năm đèn sách. Các bạn hãy tìm lấy cho mình một người đàn anh chỉ cần trước 1-2 khóa để thường xuyên trao đổi và biết cách học tập của những năm trong thời sinh viên. Không ai có thể dẫn dắt bạn đi hết con đường, nhưng bạn cũng cần có người định hướng. Người đi trước có thể không giỏi nhưng có thể cung cấp cho bạn những bài học xương máu. Hành trình của chúng ta luôn phải có những đàn anh và khi bạn lớn một xíu rồi hãy làm đàn anh cho các em nhỏ khác.
Các bạn như mình, không có ai trong gia đình là bác sĩ để dạy dỗ hay cho lời khuyên y khoa giá trị, gia đình cho một điểm tựa vững để luôn tiến bước.
Chúc các bạn luôn thành công!