Nguy kịch vì mảnh xương vịt
Bệnh nhân nhà ở Kiến Tường, Long An đến BV.Tai Mũi Họng, TP.HCM trong tình trạng ho kéo dài và điều trị không khỏi.Chị cho biết cách đây 10 tháng đang ăn cháo vịt thì bị sặc đến tím tái.Ngay sau khi sặc, chị bắt đầu những tràng ho kéo dài.
“Tôi ho ngày ho đêm, kéo dài từ ngày này qua ngày nọ.Tôi đi khám tại một số phòng khám ở địa phương nhưng các bác sĩ chỉ nghi viêm họng, viêm phế quản và cho thuốc uống nhưng không khỏi”, bệnh nhân kể.
Tiếp tục đi khám tư nhân, chị được các bác sĩ khuyên đi khám ở một BV chuyên trị lao phổi ở TP.HCM vì nghi bị khối u trong cổ họng, tuy nhiên, tại BV này, chị được xác định viêm phế quản mạn tính và điều trị nội khoa hơn 1 tháng vẫn không khỏi. Thấy tình trạng ho kéo dài và cơ thể ngày càng mệt mỏi nên bệnh nhân tìm đến BV. Tai Mũi Họng TP.HCM để “cầu may”.
Kết quả chụp CT-scan phổi lập tức phát hiện dị vật phế quản thùy trung gian phổi bên phải, viêm phổi thùy giữa và thùy dưới, người bệnh được chỉ định nhập viện.
Tại thời điểm soi, các bác sĩ phát hiện các mô phổi bao quanh dị vật bị nổi hạt, sưng nề đỏ và sùi do tình trạng viêm quá nghiêm trọng và kéo dài. Sau khi tiếp xúc được dị vật, các bác sĩ xác định đây là một chiếc xương vịt dài khoảng 2cm. Do chiếc xương đã bị mục vỡ nên các bác sĩ phải lấy 2 lần mới có thể đưa ra hết bên ngoài.
Tương tự, khi cùng người yêu đi ăn bún vịt, một phụ nữ 28 tuổi nhà ở Tiền Giang vô ý nuốt phải xương trong lúc ăn, cô lẳng lặng vào nhà vệ sinh cố khạc ra nhưng vẫn không được.
Cảm giác nghẹn ở cổ được nạn nhân im ỉm mang theo cả buổi đi chơi. Vài giờ sau, không chịu được cảm giác đau đớn mỗi khi nuốt nước bọt, cô tìm đủ cách để ói, cho đến nuốt cơm nguội để xương trôi xuống, tuy nhiên, miếng xương vẫn gây đau cổ.
Sau gần 1 ngày vật vã, cô thổ lộ cùng bạn trai rồi cả hai đưa nhau đến BV. Tai Mũi Họng TP HCM. Tại đây, đoạn xương vịt dài và nhọn đã được các bác sĩ xác định là đâm thủng đoạn đầu thực quản.“May mắn, khúc xương chưa đâm vào những vị trí quan trọng hơn”, một bác sĩ nói.
Thủng cổ vì chiếc xương cá
Cách đây tròn một năm, BV.Đa khoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) tiếp nhận và phẫu thuật điều trị cho một bệnh nhân bị hóc xương cá khá hy hữu.Người bệnh bị hóc xương hơn 1 tháng, khi nhập viện, chiếc xương cá đâm xuyên qua thực quản để lộ một đoạn xương ra bên ngoài.
Xương cá ở thực quản đâm xuyên ra da cổ bệnh nhân ở Sa Đéc
Bệnh nhân là ông Đ.V.E, (61 tuổi, ngụ ấp Đông Huề, xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc), nhập viện trong tình trạng cổ họng bị đau, sưng to do có 1 dị vật ở thực quản đâm xuyên ra da cổ. Các y bác sĩ đã tiến hành gây tê, mổ rạch da cổ lấy dị vật là 1 xương cá dài 2cm.
Ông E. kể, cách đó hơn 1 tháng ông có ăn cá và bị hóc xương, sau đó có đi siêu âm, nội soi ở bệnh viện tư nhưng không thấy có dị vật. Mấy ngày gần đây, họng ngày càng đau và sưng to, xương cá đâm ra bên ngoài nên gia đình mới đưa ông đến BV.
Căn cứ vào thực tế chữa trị, các bác sĩ nhận xét, không chỉ trẻ em mà người lớn vẫn bị hóc xương, ví dụ những trường hợp trên, nguyên nhân thường do ăn quá vội, vừa ăn vừa nói, hoặc một số người chủ quan vì nghĩ có thể nuốt trót lọt hoặc vì ngại lừa xương mà nuốt bừa.
Xử trí khi bị hóc xương
Theo các bác sĩ BV. Tai Mũi Họng, khi có cảm giác hóc xương, lập tức phải nhổ hết để thức ăn ra ngoài. Trong tình huống này, xương mới mắc có thể văng ra theo. Súc miệng, khò họng bằng nước sạch từ 4 - 5 lần, động tác này cũng có thể làm xương văng ra ngoài.Tuy nhiên, thao tác thực hiện phải nhẹ nhàng.
Nếu đã thực hiện các bước trên mà xương vẫn còn mắc, gây cảm giác đau thì nên tìm ngay đến bác sĩ tai mũi họng để được lấy xương. Với những trường hợp xương bị mắc sâu ở phía dưới, các bác sĩ có thể sẽ nội soi để lấy xương.Việc lấy xương dễ dàng, không đau đớn nếu được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm và có dụng cụ chuyên dụng.
Tuyệt đối không dùng biện pháp nuốt cơm nguội hay nuốt thức ăn cứng với suy nghĩ sẽ làm xương trôi đi. Bởi cách làm này có thể khiến xương đâm sâu hơn trong họng, gây cản trở cho việc lấy xương sau này.
Không nên khạc nhổ mạnh bạo hoặc cố dùng tay thò vào họng móc vì có thể làm sưng nề vùng họng, chảy máu, đau rát, thậm chí làm cho xương đâm sâu hơn vào vị trí mắc. Thực tế thăm khám ghi nhận không ít người bị phù nề đến khó thở vì cố cho tay vào “cào xương”.
Không nên cố chịu đựng khi biết mình bị mắc xương mà nên đến bác sĩ để được xử trí.Với xương mới hóc, các bác sĩ có thể lấy xương ra ngoài một cách rất dễ dàng.Trong khi chịu đựng lâu ngày, xương có thể khiến vùng họng bị viêm, ápxe, nhiễm trùng.Ngoài ra xương có thể đâm thủng thực quản và tạo nên nhiều biến chứng rất nguy hiểm.
Phòng mắc xương
Không nên chặt xương nhỏ khi nấu, nhất là xương gà vì mảnh xương gà thường xuyên là thủ phạm gây hóc xương và đâm thủng thực quản khi hóc.
Nếu nấu cho trẻ, phải chú ý gỡ từng mảnh xương nhỏ hoặc xay nhuyễn thịt cá bằng máy để tránh xương còn sót lại bên trong.Hoặc nếu ăn cá nhỏ thì nên xay nhuyễn và chọn cá ít xương để chế biến.
Kể cả người lớn hay trẻ con cũng phải bỏ tật vừa ăn vừa nói chuyện hoặc cười đùa khi ăn. Nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh các trường hợp phải ăn vội vàng.
Không nên cố nuốt xương vì nghĩ mình có thể nuốt trôi xương.Không nên thách đố nhau ăn đua những loại thức ăn có chứa xương.