Hà Nội

Hóc xương cá hiếm gặp, đâm xuyên amidan ra vùng cổ

09-03-2022 18:18 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Trường hợp bệnh nhân Đ. khá hi hữu khi dị vật xuyên qua amidan ra ngoài vùng cổ trong một thời gian dài mà không gây nên áp xe vùng cổ, khi bệnh nhân nuốt có thể các cơ siết họng đã đẩy dị vật di chuyển...

Bệnh nhân Đ.V.Đ (51 tuổi, ngụ tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nhập Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương trong tình trạng viêm tấy thành bên họng phải.

Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận trước khi nhập viện 20 ngày, anh Đ. từng bị hóc xương cá, xuất hiện nuốt vướng nên đã đi khám và nội soi họng tại cơ sở y tế địa phương nhưng chưa phát hiện dị vật. Sau đó, bệnh nhân vẫn tiếp tục nuốt vướng, nuốt đau, ăn uống kém và sưng vùng cổ phải, nên đã đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thăm khám.

Tại bệnh viện, tua trực khám nội soi thông thường không thấy có hình ảnh nghi ngờ dị vật, vùng hạ họng amidan bên phải tương đối bình thường nên các bác sĩ đã quyết định chụp phim cắt lớp vi tính vùng cổ, không tiêm thuốc cản quang. Trên phim CT Scanner vùng cổ chỉ thấy có một lát cắt Coronal và tái tạo dựng hình 3D có hình ảnh nghi ngờ có dị vật là một vệt mờ, khó xác định ở vùng amidan ở bên phải.

Sau khi hội chẩn, các chuyên gia đưa ra hai phương án phẫu thuật lấy dị vật:

Thứ nhất là đi theo đường trong, các bác sĩ sẽ thực hiện cắt amidan, bóc tách đáy amidan ra ngoài thành bên họng, tuy nhiên sẽ nguy hiểm khi va chạm bó mạch cảnh, phẫu trường hẹp khó quan sát và xử trí chảy máu khó.

Thứ hai là đi theo đường ngoài, phương pháp này đảm bảo vấn đề chảy máu nhưng nếu dị vật nằm ở amidan thì vẫn phải kết hợp đường trong, sẽ có nguy cơ thông ống họng, hậu phẫu rất nặng nề, bệnh nhân sẽ phải chịu một vết sẹo lớn.

Được sự đồng thuận của bệnh nhân cùng gia đình, kíp mổ quyết định phẫu thuật theo đường trong, trước hết là cắt amidan, nếu xương không nằm trong amidan thì tiếp tục tìm vùng cổ bên. Tuy nhiên, rất khó khăn để xác định được vị trí chính xác của xương vì tư thế cổ của bệnh nhân khi chụp phim khác tư thế cổ của bệnh nhân khi phẫu thuật (kê vai, ngửa cổ, gối đầu tròn).

Theo đó, kíp mổ đã tiến hành cắt amidan và kiểm tra nhưng may mắn đã không mỉm cười, dị vật không có ở amidan. Các phẫu thuật viên tiếp tục đi vào đáy hốc mổ, bóc tách và cầm máu từng chút một bằng meche adrenaline do không thể cầm máu bằng đông điện bởi sẽ gây nguy cơ bỏng những mạch lớn. Sau khoảng 30 phút không thấy dị vật, kíp mổ quyết định chụp lại phim để định vị chính xác dị vật bằng cách đặt một chiếc kim vào trong hốc mổ của thành bên họng (kim đã được làm tù đầu).

Sau khi chụp phim thấy rằng đầu trên của xương và đầu dưới kim tức là khu vực cực dưới amidan cách nhau khoảng 0,5cm, kim chạy dọc xuống dưới phía sau của xương móng, nằm chếch từ ngoài vào trong và cách xương móng khoảng 1,5cm, kíp mổ đã tiến hành bóc tách thành bên họng theo đáy của hốc amidan xuống dưới khoảng 1cm và tìm trong tổ chức cân cơ, vừa kiểm soát thành bên họng vừa kiểm soát các mạch máu lớn và cầm máu bằng meche adrenaline. Giai đoạn này rất nguy hiểm, phẫu thuật viên phải thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ, vừa bóc tách, vừa cầm máu vì có bó mạch cảnh đi sát phía thành ngoài, đặc biệt là động mạch cảnh trong nên khi cầm máu không dùng được dao điện bởi sẽ gây ra bỏng và tổn thương thành mạch máu.

Sau những cố gắng bóc tách qua một lớp cơ, phẫu thuật viên thấy xơ chắc dưới bay bóc tách, nhẹ nhàng kéo lên trên ra phía ngoài và đã may mắn thấy đầu trên của dị vật. Cuối cùng dị vật cũng được lấy ra là một cái xương dài khoảng 3cm với đường kính rất mỏng.

photo-1646816261607

Vị trí dị vật trên phim CT scan của người bệnh.

Sau phẫu thuật 5 ngày bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục, vết mổ lên giả mạc tốt như một ca cắt amidan thông thường nên bệnh nhân đã được xuất viện.

Chớ coi thường hóc dị vật

Theo ThS.BS Trần Hữu Thắng – Trưởng Khoa Cấp cứu, có rất nhiều trường hợp hóc phải dị vật như vậy, có những trường hợp nhẹ thì chỉ cần làm những thủ thuật đơn giản ngay tại phòng khám nhưng cũng có những dị vật nằm ở những vị trí rất khó khăn như nằm trong thanh quản, nằm trong bó mạch cảnh hoặc trong bao thực quản…

Những dị vật này gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Tắc đường thở do phù nề thanh quản, chảy máu những mạch lớn, thông khí quản thực quản, áp xe thành họng lan rộng gây áp xe trung thất và hậu quả nếu không được xử đúng và kịp thời thì thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

"Tuy nhiên, trường hợp anh Đ. là khá hi hữu khi dị vật xuyên qua amidan ra ngoài vùng cổ trong một thời gian dài mà không gây nên áp xe vùng cổ, khi bệnh nhân nuốt có thể các cơ siết họng đã đẩy dị vật di chuyển" - bác sĩ Thắng cho biết.

photo-1646816270985

Xương cá được bác sĩ gắp ra.

Theo các bác sĩ, trong cách sinh hoạt và văn hóa ăn uống của người Châu Á nói chung, đặc biệt là với người Việt Nam nói riêng thì vừa ăn vừa nói chuyện là một thói quen thường gặp. Cùng với đặc thù của thức ăn như thịt sống, chặt miếng thịt lẫn xương, hoặc những đồ ăn khô… thì khả năng mắc dị vật đường ăn là khá cao.

Tuy nhiên khi bị mắc dị vật, người dân thường không đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và lấy dị vật mà áp dụng một số mẹo dân gian như: cho tay vào móc họng, nuốt miếng thức ăn to để đẩy trôi dị vật,… điều này có thể khiến dị vật đâm sâu vào tổ chức hoặc thậm chí đâm xuyên ra ngoài vùng cổ khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã gặp và xử lý khá nhiều những trường hợp tương tự và thay vì chỉ cần một thủ thuật đơn giản để lấy dị vật thì bệnh nhân cần phải tiến hành những phẫu thuật phức tạp có thể ảnh hưởng đến tính mạng, chức năng và thẩm mỹ của bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Hữu Thắng khuyến cáo người dân cần thay đổi thói quen ăn uống: ăn chậm nhai kỹ, không vừa ăn vừa nói chuyện đặc biệt chú ý với trẻ em, người già hoặc những người mang răng giả.

Mắc dị vật là một cấp cứu ngoại khoa nên khi nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh để lâu có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chức năng và tính mạng.

Chuyên gia tai mũi họng cảnh báo thói quen ăn uống dễ gặp dị vật đường ăn Chuyên gia tai mũi họng cảnh báo thói quen ăn uống dễ gặp dị vật đường ăn

SKĐS - Dị vật đường ăn là một cấp cứu phổ biến trong tai mũi họng do thói quen ăn uống không cẩn thận. Tình trạng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt cần lưu ý phòng ngừa tai nạn này trong dịp lễ Tết hay liên hoan, ăn uống đông người…


Phương Anh
Ý kiến của bạn