Vùng cổ bé gái sau khi...vuốt xương
Qua thăm khám và khai thác tiền sử được biết, cách nay hơn 5 tháng bé bị hóc xương cá nhưng không vào bệnh viện lấy xương mà điều trị theo cách dân gian (vuốt xương).
Sau đó bé hết đau, nhưng vài ngày sau người nhà phát hiện bé có khối sưng vùng cổ trái nên đã đưa bé đi khám, điều trị nhiều nơi nhưng không giảm và cuối cùng đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Cần Thơ.
Hình ảnh ổ viêm qua chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt
Kết quả chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt, phát hiện khối u kì lạ đó thật sự là một ổ viêm bên trong là một xương cá dài khoảng 3cm nằm sát bó mạch cảnh (mạch máu lớn cung cấp máu cho não bộ).
Phẫu thuật viên gắp xương cá
BS CKI Võ Thị Thùy Linh – Trưởng khoa Ba chuyên Khoa nhận thấy đây là bệnh khó có thể nguy hiểm đến tính mạng, đã cho bệnh nhi nhập viện ngay, tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết và nhanh chóng hội chẩn liên viện với Bệnh viện Tai Mũi Họng, quyết định phẫu thuật cho bé.
Xương cá sau khi được phẫu thuật viên lấy ra từ vùng cổ họng của bé gái
Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra đoạn xương cá và toàn bộ ổ viêm đã được lấy ra một cách an toàn.
Các phẫu thuật viên nhận định: Trong trường hợp này bệnh nhi rất may mắn khi dị vật đâm vào thực quản, có thể gây ap xe thực quản - là một biến chứng rất nặng có thể gây thủng thực quản, thủng các mạch máu lớn, viêm trung thất, áp xe trung thất. Đồng thời khi xuyên qua thực quản, có thể đâm vào hệ thống mạch cảnh gây tử vong trong tích tắc.
Hiện tại, bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại Khoa Ba Chuyên Khoa bệnh viện Nhi đồng Thành phố Cần Thơ, tình trạng bệnh nhi ổn định.
Để hạn chế hóc xương cá, chúng ta nên khuyên trẻ nên nhai kĩ khi ăn. Và khi phát hiện trẻ bị hóc xương thì phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện thăm khám và xử trí kịp thời nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.