Hà Nội

Học viên không đeo phù hiệu khi tập lái xe, phạt sao cho thấu tình đạt lý

20-08-2024 18:30 | Xã hội
google news

SKĐS - Cơ chế để siết chặt việc thực hiện đeo phù hiệu với học viên và giáo viên dạy lái xe là cần thiết. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cần phân biệt, tách bạch các lỗi có mức độ khác nhau để có khung xử phạt hợp lý.

Cần thiết có chế tài siết chặt việc đeo phù hiệu

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe.

Cụ thể, tại Điều 38, dự thảo Nghị định đề xuất phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng đối với giáo viên dạy thực hành để học viên không có phù hiệu "Học viên tập lái xe" hoặc có phù hiệu nhưng không đeo khi lái xe tập lái.

Đặc biệt, giáo viên không đeo phù hiệu "Giáo viên dạy lái xe" khi giảng dạy; giáo viên dạy thực hành không mang theo giấy phép lái xe tập lái hoặc mang theo giấy phép lái xe tập lái đã hết hạn sử dụng cũng bị phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng.

Học viên không đeo phù hiệu khi tập lái xe, phạt sao cho thấu tình đạt lý- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Anh Nguyễn Văn An, học viên học lái xe của một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: "Chế tài xử phạt giáo viên khi để học viên không đeo phù hiệu "Học viên tập lái" hay thầy giáo không đeo phù hiệu "Giáo viên dạy lái xe" là cần thiết. Nhiều trường hợp giáo viên để học viên tự học với nhau, quan sát thông thường khó có thể nhận biết được liệu người học đó có giáo viên kèm theo hay không. Việc này tiềm ẩn nguy hiểm với người học lái".

Cũng là học viên đang theo học lái xe ô tô, chị Hoàng Hải Yến (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Gần như chẳng bao giờ tôi thấy mọi người đeo phù hiệu là học viên hay thầy giáo. Có những hôm đến tập lái, gặp học viên lái cứng lại cứ tưởng là thầy giáo. Tôi cũng cảm thấy có chút quan ngại, có khi nào do lượng học viên lớn, thầy giáo không đủ nên người kèm mình không phải giáo viên mà lại chính là những người đang học lái đã cứng tay?".

Chia sẻ về vấn đề phù hiệu, anh Đoàn Hải Giáp (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đồng tình với việc siết chặt quản lý việc này. Bởi nó sẽ giúp công tác quản lý cũng như thanh tra, kiểm tra đột xuất hiệu quả hơn. Qua đó có thể phát hiện giáo viên có đủ điều kiện dạy, hay học viên có trong danh sách tập lái hay không để đảm bảo công bằng cho các học viên còn lại.

Cần phân biệt rõ mức độ lỗi để xử phạt phù hợp

Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, mục tiêu chúng ta quản lý là phải đi vào các vấn đề bản chất, hành vi, yếu tố tiềm ẩn mất trật tự, cũng như an toàn, ùn tắc giao thông. Những hành vi nào liên quan đến các yếu tố này thì chúng ta cần có cơ chế xử lý, xử phạt.

"Phù hiệu của học viên hay thầy dạy lái xe cũng là một khía cạnh liên quan đến trật tự an toàn giao thông, nhưng không phải yếu tố quyết định. Vì thế, chúng ta cũng nên cân nhắc đưa ra mức xử lý với những người không tuân thủ quy định hành chính mà mọi người cần phải có", TS Tạo nói.

Học viên không đeo phù hiệu khi tập lái xe, phạt sao cho thấu tình đạt lý- Ảnh 2.

TS Khương Kim Tạo.

Việc quy định xử phạt khi học viên không có phù hiệu "Học viên tập lái xe" cũng cần phải phân biệt rõ ràng các trường hợp khác nhau. Trường hợp có phù hiệu nhưng không đeo nhiều khi chỉ là do sơ suất chưa đeo hoặc vô tình quên không mang theo thì có mức phạt khác với trường hợp không có phù hiệu do học viên ngoài danh sách đào tạo.

"Việc gộp lỗi để xử lý chung một mức hình phạt sẽ giúp công tác thanh tra, kiểm tra đơn giản hơn. Người kiểm tra chỉ cần biết có đeo hay không đeo phù hiệu. Nếu không đeo thì phạt còn đeo thì thôi. Nhưng bản chất của người có nhưng quên không đeo phù hiệu sẽ khác với người không có phù hiệu do ngoài danh sách đào tạo, khi đó thì lỗi sẽ nặng hơn", TS Tạo phân tích.

Người lái xe máy có thể bị trừ điểm Giấy phép lái xe khi vi phạm lỗi gì?Người lái xe máy có thể bị trừ điểm Giấy phép lái xe khi vi phạm lỗi gì?

SKĐS - Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.


Phúc Đức
Ý kiến của bạn