Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề (dự kiến đổi thành Luật Giáo dục nghề nghiệp) đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự án luật đã được dư luận quan tâm, góp ý bởi còn những vấn đề cần có sự xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế nhằm tránh tình trạng luật “vênh” với luật, thậm chí phát sinh sự tốn kém không cần thiết, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Theo quy định đối tượng áp dụng trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì Luật này áp dụng với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam”, trong khi đó, Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội thông qua năm 2012 và đã đi vào cuộc sống và đang vận hành tốt, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân nói chung và các trường cao đẳng chuyên nghiệp nói riêng đã quy định rõ đối tượng áp dụng đối với trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học vùng, đại học quốc gia, viện nghiên cứu khoa học. Như vậy, đối tượng áp dụng dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp ở đây đã “vênh” với Luật Giáo dục đại học. Cụ thể ở đây, Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp có đối tượng áp dụng là trường cao đẳng bao gồm cả hệ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, trong khi cần phải phân biệt rõ hai loại hình trường cao đẳng này bởi vì mỗi hệ có phương thức đào tạo khác nhau. Đối với các trường cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo năng lực hàn lâm làm nền tảng cho sự phát triển nghề nghiệp, trong khi cao đẳng nghề chủ yếu đào tạo trực tiếp nghề, theo modul, tín chỉ. Về công tác quản lý nhà nước, hệ cao đẳng chuyên nghiệp thuộc Bộ GD&ĐT quản lý, còn hệ cao đẳng nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý.
Một vấn đề được các chuyên gia giáo dục quan tâm là Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định giảng viên dạy lý thuyết chuyên môn trình độ cao đẳng phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, giảng viên dạy nghề phải có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng. Tuy nhiên, trên thực tế, giảng viên các trường cao đẳng chuyên nghiệp theo Luật Giáo dục năm 2012 chủ yếu được đào tạo để giảng dạy các môn học mang tính chất hàn lâm nên nếu áp dụng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì không có giảng viên nào áp dụng được quy định này và sẽ phát sinh sự tốn kém không cần thiết, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, việc bãi bỏ các quy định về trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng tại Luật Giáo dục đại học 2012 có hiệu lực từ 01/01/2013 tính đến nay mới đi vào thực hiện được hơn 1 năm và đang vận hành rất tốt, nay lại sửa đổi sẽ gây khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện, lãng phí thời gian, công sức... cho các trường trong hệ thống giáo dục nói chung và các trường trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp nói riêng. Vì thế, để tránh việc luật “vênh” luật và để cho quản lý tránh chồng chéo, lãng phí, không nên đưa các trường cao đẳng chuyên nghiệp vào đối tượng áp dụng trong Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề (dự kiến đổi thành Luật Giáo dục nghề nghiệp) trong thời gian tới.
Minh Hằng