Ngày 11/11, Quốc hội tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực giáo dục – đào tạo dưới sự điều hành phiên làm việc là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Hình thức ứng phó tạm thời, nhưng vẫn là một việc công việc lâu dài
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về kế hoạch lâu dài cho việc dạy và học trong tương lai nếu dịch bệnh có thể còn kéo dài.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, vừa rồi Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết được một số việc mang tính cụ thể, trong đó có việc tăng số điểm "lõm sóng" phục vụ việc học trực tuyến. Trong vòng 2 tháng, Bộ TT&TT đã khắc phục được 283 điểm.
Thứ hai, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết, các quy định hướng dẫn dạy - học trực tuyến tương đối đầy đủ nhưng còn thiên về tính ứng phó tạm thời, sau này Bộ sẽ có pháp chế hóa cho một số văn bản.
Thứ ba, cần phải xây dựng một kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn để có nền tảng giúp việc học tập trực tuyến sẽ đảm bảo. Trong chiến lược của Bộ GD&ĐT xác định chuyển đổi số là một trong các đột phá chiến lược của ngành thời gian sắp tới.
Về tư tưởng và nhận thức, ông Sơn cho rằng việc dạy trực tuyến lúc này đang là một hình thức ứng phó tạm thời, nhưng vẫn là một công việc lâu dài.
Chất lượng có được đảm bảo?
ĐBQH Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang chất vấn, Bộ đánh giá về chất lượng dạy – học trực tuyến và giải pháp trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dạy - học trực tuyến được cả thế giới đang áp dụng. Việt Nam đã có kinh nghiệm. Với tư cách là hình thức bổ trợ thì dạy học trực tuyến đã có từ lâu nhưng như năm 2021 thì chưa có tiền lệ về quy mô, tính chất. Đây là thách thức lớn.
Thầy trò chuyển sang dạy – học trực tuyến trong điều kiện khó khăn. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và xã hội luôn quan tâm đến phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nhưng mức độ còn khó khăn. Hiện, có hơn 1,8 triệu học sinh không có thiết bị trong tay để học tập trực tuyến.
Ông Sơn chia sẻ, dạy – học trực tuyến là việc bắt đắc dĩ để ứng phó với COVID-19. Trước khi quan tâm đến chất lượng, một trong những vấn đề "nóng" là làm thế nào để học sinh có thiết bị trong tay để học. Việc đó cấp bách hơn trước khi đánh giá các em học được gì. Thậm chí, một số nơi còn phải duy trì cảm giác cho học sinh trong học tập. Đây là thực tế và rất khó khăn.
Theo ông Sơn để đánh giá chất lượng có 2 vấn đề: việc triển khai dạy - học trực tuyến như thế nào và hiệu quả ra sao? Bộ thường xuyên theo dõi diễn biến việc dạy – học ở các địa phương, trong đó có dạy – học trực tuyến. Toàn ngành đã có hỗ trợ trên 140.000 máy tính, điện thoại cho học sinh.
Về đánh giá kết quả dạy – học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, cần tiếp tục có khảo sát, đánh giá một cách đầy đủ, nhưng chắc chắn việc học trực tuyến có thách thức và ảnh hưởng đến chất lượng.
"Chúng ta không thể nói chuyển sang học trực tuyến vẫn đảm bảo toàn chất lượng như học trực tiếp. Điều đó hết sức khó", Người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo nói.
Bộ đã có văn bản hướng dẫn củng cố bổ sung kiến thức, khi học sinh trở lại thì việc đầu tiên là giúp học sinh làm quen lại môi trường, học cách tự phòng dịch, sau đó lấy lại tinh thần. Giáo viên chưa kiểm tra khảo sát, đánh giá học sinh ngay.
Nêu giải pháp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ: Với học sinh trở lại trường thì căn cứ vào nội dung, sĩ số lớp học, nhà trường, giáo viên tiếp tục hỗ trợ các em trong học tập. Không bỏ qua các bài giảng trên truyền hình, dạy học trực tuyến; Giáo viên có trách nhiệm đánh giá học sinh đến đâu để phân nhóm. Có thể lớp học sẽ không đồng đều. Vì thế, giải pháp phân nhóm và cá thể hoá học sinh là cần thiết. Đặc biệt cần sự hỗ trợ của nhà trường cho học sinh để bổ trợ kiến thức cho các em sau thời gian học trực tuyến.
Xã, phường "vùng xanh" thì mạnh dạn đưa học sinh đến trường
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu vấn đề học sinh ở nhà đã lâu, mong muốn được đến trường an toàn; giải pháp trước nguy cơ bỏ học, tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã trao đổi nội dung này trong phiên chất vấn trước đó. Về phía Bộ GD&ĐT, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngành Giáo dục đã có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường an toàn. Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, vừa định hướng quan điểm. Đối với các đơn vị cấp thấp như xã/phường đang là vùng xanh nên mạnh dạn đưa các cháu trở lại trường.
Hiện nay, phần nhiều xử lý theo quy mô quận, huyện. Vì vậy, nếu xã phường thuộc các vùng xanh thì đưa các cháu tới lớp và không phải đợi cả huyện, quận.
Về nguy cơ bỏ học, tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, cần có những giải pháp trong đó bao gồm tăng cường hệ thống cơ sở vật chất (các trường bán trú, nội trú, hỗ trợ bữa ăn trưa, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên,...). Đặc biệt, trẻ mầm non không thể đi xa, cần bố trí điểm trường gần địa bàn cư trú để huy động trẻ tới lớp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.