Học thêm và thấp còi

10-02-2015 12:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Một khảo sát mới đây trên 3.000 học sinh cho thấy, 85% số trẻ em thành thị phải học thêm.

Suy dinh dưỡng thể thấp còitrẻ em nước ta là vấn đề được quan tâm từ lâu, có thể nói là đã hàng chục năm nay. Nói như vậy để thấy đây không phải là vấn đề mới, và qua hàng năm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ngày càng giảm xuống nhưng vẫn ở mức đáng quan ngại. Người ta ngày càng nhận thấy tầm quan trọng về sức khỏe thể lực, bao gồm đạt chuẩn về chiều cao cân nặng, những chỉ số liên quan hết sức chặt chẽ đến sức khỏe tinh thần, trí tuệ và cảm xúc.

Có thể nói, để cải thiện tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi đòi hỏi một cuộc “chiến đấu” bền bỉ, qua nhiều năm tháng. Rất lâu nữa thanh thiếu niên chúng ta mới có tầm vóc cao lớn ngang bằng người Nhật, người Hàn Quốc (hiện chỉ số về tầm vóc của thanh niên Việt Nam qua một nghiên cứu cho biết là thấp nhỏ gần nhất trong các nước Đông Nam Á, chỉ hơn Indonesia). Việc cải thiện suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em trước hết vẫn là biện pháp tăng cường… dinh dưỡng. Đây là điều cũng đang hết sức khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Tình hình này được cải thiện, ngoài sự chăm lo của nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân từ thiện, khi tình hình kinh tế đất nước khá lên, thu nhập của người dân tăng cao. Khi đó, trẻ được ăn no đủ về lượng, về chất, có thịt cá, bơ sữa...

Tuy nhiên không chỉ trẻ em ở vùng khó khăn bị suy dinh dưỡng mà cả trẻ thành phố lớn cũng rơi vào điều tương tự dù tỉ lệ có thấp hơn.

Điều dễ nhận thấy, “vấn nạn” của trẻ thành phố hiện nay ảnh hưởng đến thể lực, phát triển tầm vóc là sự vận động (yếu tố tác động đến 20% sự phát triển về thể lực, tầm vóc) quá ít, do thiếu sân chơi và không có thời gian. Đơn cử, những đứa trẻ ở TP.HCM, thậm chí một số vùng của các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai… ngày học hai buổi (bán trú) chỉ quanh quẩn ở lớp, mỗi tuần chỉ có 1 tiết học thể dục, sân trường hẹp không có chỗ chạy nhảy… Đã vậy, về nhà chúng phải học thêm nên không có thời gian cho vận động, ăn cũng tranh thủ.

Một khảo sát mới đây trên 3.000 học sinh cho thấy, 85% số trẻ em thành thị phải học thêm. Trên thực tế, các em học ngày hai buổi đã là học thêm, không biết khảo sát có tính đến chuyện này hay chưa? Rồi về nhà, có em không đến nhà cô thầy, hay trung tâm ngoại ngữ nhưng cũng phải học thêm ở nhà dưới sự giám sát của bố mẹ. Nhiều em phải học đến gần nửa đêm.

Học nhiều là tốt, nhưng như đã nói, học như vậy khiến trẻ không còn thời gian vận động, thiếu thời gian ngủ, nghỉ và thậm chí ăn uống cũng vội vàng. Hậu quả là nhiều em suy dinh dưỡng thấp còi và không ít em bị béo phì.

Một phụ huynh nhận xét: thông thường thiết kế chương trình dạy học là cho 1 buổi/ ngày với thời lượng 4 - 5 tiết. Lẽ ra thiết kế như vậy thì chỉ cần thời gian như vậy là đủ để truyền tải - tiếp nhận kiến thức. Vậy mà các em đã phải học 2 buổi ở trường, vẫn chưa đủ về nhà phải học thêm rất căng thẳng. Tính ra nhiều em mỗi ngày học 3 buổi.

Ảnh minh họa: internet

Ảnh minh họa: internet

Trước đây, trẻ học thêm có hai dạng (và chỉ nhà trường tổ chức chính thức): bồi dưỡng cho trẻ giỏi, phụ đạo cho trẻ kém. Đương nhiên số trẻ này rất ít.

Một phụ huynh khác nói: nhìn và thiết kế sách Tiếng Việt lớp 1 thì thấy đó là sách cho người nước ngoài học tiếng Việt chứ không phải cho trẻ em Việt Nam. Sách vỡ lòng xưa mới đúng là sách học đánh vần, học viết cho trẻ em Việt Nam.

Có lẽ các cơ quan chức năng cần nhìn nhận lại vấn đề học, thời lượng học để vừa giúp trẻ có kiến thức cần thiết vừa đảm bảo thời gian vận động, vui chơi, ngủ nghỉ cho các em, để các em phát triển lành mạnh, hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần, kiến thức.

THẾ PHONG

 


Ý kiến của bạn