Hà Nội

Học sinh ‘vắt chân lên cổ’ chạy theo lịch học dày đặc

25-09-2023 19:13 | Thời sự

SKĐS - Hiện nay, nhiều học sinh bị áp lực bởi thời khóa biểu dày đặc từ học chính tới học thêm.

Học từ sáng sớm tới đêm muộn

Vừa vào năm học chưa được một tháng, Nguyễn Duy Minh (học sinh lớp 9 một trường THCS ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã đi học kín tuần không có lấy một buổi trống lịch.

Minh bày tỏ: "Cả tuần em kín lịch. Về đến nhà em như kiệt sức và chỉ muốn ngủ luôn nhưng vẫn phải làm bài tập ôn luyện để thi vào lớp 10. Ngày nào em cũng làm bài đến 11 giờ đêm, có hôm phải 12 giờ đêm mới xong. Sáng hôm sau đến lớp em rất buồn ngủ nhưng vẫn phải cố vì các bạn em đều phải học như vậy thì may chăng mới thi được vào lớp 10 theo đúng nguyện vọng. 

Ngoài bài tập trên lớp cô giao về nhà thì một khối lượng lớn bài tập ở các lớp học thêm em phải giải quyết nên không có thời gian để nghỉ ngơi hay tham gia các hoạt động thể thao".

Với học sinh cấp THCS đã vậy, học sinh bậc THPT còn áp lực hơn. Trần Tùng Lâm - học sinh lớp 12 một trường THPT tại Phú Thọ chia sẻ: Năm học này em phải "chạy sô" đến các lớp học thêm. Ngoài 2 buổi đến trường, ngày nào em cũng phải đi học thêm các môn Toán, Lý và Tiếng Anh rồi tham gia các lớp luyện thi IELTS online. Hầu như đêm nào em cũng ngủ sau 24 giờ".

Học sinh "vắt chân lên cổ" chạy theo lịch học dày đặc - Ảnh 1.

Mặc dù học ngày 2 buổi trên lớp nhưng con trai chị Thúy về nhà vẫn phải làm bài tập tới khuya.

Chị Lưu Thúy (ở Hoàng Mai, Hà Nội) có con năm nay học lớp 4 cũng chóng mặt về lịch học dày đặc và số lượng bài tập về nhà của con. "Theo thời khoá biểu nhà trường xây dựng, con tôi sẽ học 7-8 tiết/ngày, chia làm hai buổi. Buổi trưa, con ăn cơm bán trú xong thì lên bàn ngủ và đúng 2 giờ sẽ học buổi chiều. Thời gian kết thúc là 16 giờ 30 phút. Trong thời khóa biểu chính khóa, nhà trường đan xen vào các tiết học thêm kỹ năng sống, STEM…

Mặc dù con đã học 2 buổi ở trường, tôi nghĩ bài tập sẽ được giải quyết trong thời gian buổi chiều nhưng khi về nhà con vẫn tiếp tục phải làm bài đến khuya. Rất xót con nhưng cũng không biết làm thế nào mà chỉ động viên con cố gắng làm bài cho xong để đi ngủ hôm sau còn dậy sớm đi học", chị Thúy chia sẻ.

Không riêng gì chỉ Thúy mà nhiều phụ huynh có con học tiểu học cũng cho biết, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều được giao bài tập về nhà với mức độ giao khác nhau. Có giáo viên chỉ giao 1 tờ phiếu ôn lại kiến thức đã học nhưng cũng có giáo viên giao bài quá nặng.

Cách nào để học sinh không căng thẳng, áp lực?

Cô Hà Thu Thủy - giáo viên dạy Văn một trường THCS thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, thường giáo viên nào cũng giao bài tập về nhà cho học sinh nhưng tùy mỗi thầy cô sẽ có cách giao bài khác nhau. Việc giao bài tập về nhà cho học sinh cần khoa học và phù hợp để không tạo áp lực cho học sinh.

Nói về cách giao bài tập cho học sinh của mình, cô Thủy chia sẻ: "Tôi thường giao bài tập cho học sinh nhưng cho các em một tuần, thậm chí 2 tuần để chuẩn bị, không giao theo ngày. Hoặc cũng có thể lên lớp làm bài tập theo dạng đề mở, học sinh được thoải mái dùng tài liệu, các em không phải học văn mẫu và cách đánh giá cũng nhẹ nhàng để học sinh không cảm thấy áp lực".

Dành lời khuyên cho các bậc phụ huynh khi đăng ký các lớp học thêm cho con, cô Thủy cho rằng, để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho học sinh, phụ huynh cần có trách nhiệm trong việc bày tỏ quan điểm và sáng suốt lựa chọn khi đăng ký cho con học thêm, học liên kết. Các bậc phụ huynh cần thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, sức học, sức khỏe... của con, tránh tâm lý e dè, chạy theo phong trào và cho con đi học thêm tràn lan, không phương hướng mục đích.

"Để đạt hiệu quả cao, phụ huynh, học sinh phải có sự chọn lọc khi cho con em mình đi học thêm. Không nên nghe thấy ở đâu đó, nơi nào đó có thầy cô dạy tốt là cho con em mình đi học. Các em học sinh không nên dành thời gian quá nhiều cho việc học thêm. Khi các em đi học thêm nhiều sẽ mất dần tính chủ động vì khi chỉ nghe thôi, không có thời gian suy nghĩ thì việc học nhiều cũng không phải là tốt".

Học sinh "vắt chân lên cổ" chạy theo lịch học dày đặc - Ảnh 2.

Học sinh mệt mỏi với lịch học dày đặc từ học chính tới học thêm.

Nguyên là giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội) và là người có hơn 30 năm trong nghề dạy học, cô Lê Bích Hằng cho rằng, hiện nay đa số học sinh phải học hai buổi, học thêm, rồi ôm một đống bài tập ở nhà phải làm cho xong mỗi ngày, đó là không khoa học.

Theo cô Hằng, tất cả bài tập phải được giải quyết xong trong tiết học ở lớp, học sinh về nhà là nghỉ ngơi, vui chơi, không phải vùi đầu vào làm bài tập cho đến đêm, không còn năng lượng để đến lớp hôm sau. Có những môn học không cần phải ra bài tập ở nhà, môn cần thì cũng hạn chế, càng ít càng tốt để học sinh có thể giải quyết bài tập nhưng không bị áp lực đến mức sợ học hay kiệt sức.

Còn PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc quan trọng của thầy cô là giúp học sinh thực sự hiểu bài chứ giao bài hàng ngày không có nhiều ý nghĩa với việc học thực chất của học sinh.

Với mục tiêu của Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 được đánh giá là giảm tải cho học sinh nhưng thực tế các em phải "vắt chân lên cổ" mà chạy, phờ phạc vì lịch học dày đặc, thức khuya làm bài tập về nhà. Vừa phải học trên lớp, học thêm, về nhà tiếp tục học với "núi" bài tập khiến các em không có đủ thời gian để vui chơi, giải tỏa căng thẳng sau nhiều giờ học.

Việc nhồi nhét kiến thức bằng bài tập về nhà không chỉ khiến học sinh áp lực mà còn áp lực cho cả phụ huynh, giáo viên. Vì vậy cần giảm thiểu việc giao bài tập về nhà để các em không quá căng thẳng, vẫn có thời gian để giải trí, tái tạo năng lượng và hứng thú khi học tập.

Đối với nhà trường cần tính toán hợp lý nhằm giúp học sinh cân bằng giữa việc học và tham gia các hoạt động khác, không giao bài tập về nhà khi đã học 2 buổi trên lớp. Thay vì để học sinh quá tải với việc làm bài tập, có rất nhiều hoạt động khác mà giáo viên và phụ huynh có thể tổ chức để học sinh cảm thấy có động lực, hào hứng hơn trong học tập như: khuyến khích trẻ đọc sách; tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian; tìm hiểu về văn hoá, lịch sử... Từ đây, các kiến thức sẽ giúp các em phát triển tư duy tổng quát, toàn diện. Có như vậy, các em mới không cảm thấy căng thẳng, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Dạy thêm, học thêm tràn lan: Phụ huynh "kêu trời", nhiều nơi có lệnh cấmDạy thêm, học thêm tràn lan: Phụ huynh 'kêu trời', nhiều nơi có lệnh cấm

SKĐS - Mới bước vào năm học mới được hơn một tuần nhưng nhiều phụ huynh cho biết con mình đang phải đi học thêm rất nhiều.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn