Học sinh thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh tật học đường ở TP.HCM

27-12-2022 12:13 | Y tế

SKĐS - Đây là con số được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) báo cáo về công tác khám sức khỏe học sinh năm học 2021 - 2022 trên địa bàn thành phố.

Đáng báo động tỉ lệ học sinh TP.HCM thừa cân, béo phì

Ngày 27/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin, tình trạng học sinh thừa cân, béo phì tại TP.HCM chiếm tỷ lệ cao nhất (28,96%) trong số các bệnh tật học đường.

Cụ thể, tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì tăng cao ở khối tiểu học và có chiều hướng giảm dần từ khối trung học cơ sở đến khối trung học phổ thông. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, lối sống ít vận động.

Trước đó, ThS Phạm Ngọc Oanh - Trưởng khoa dinh dưỡng HCDC - cũng vừa công bố nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng học sinh các bậc học sau 10 năm tại TP.HCM. Theo đó, tỉ lệ học sinh TP.HCM thừa cân, béo phì đáng báo động.

Nghiên cứu được thực hiện với hơn 12.000 học sinh tại 33 trường học (10 trường tiểu học, 12 trường THCS và 11 trường THPT) cân bằng về độ tuổi, giới tính cũng như khu vực sinh sống nội, ngoại thành TP.HCM.

Kết quả cho thấy tỉ lệ học sinh thừa cân, béo phì chung của cả ba bậc học ở mức 43,7%, tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước (năm 2009 là 21,9% ở tất cả các bậc học).

Học sinh thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh tật học đường ở TP.HCM - Ảnh 1.

Trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc các bệnh như người trưởng thành nhưng có thể nặng hơn do thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến nội tiết và tâm lý của trẻ. Ảnh minh họa.

Thực tế cho thấy, chế độ ăn giàu chất béo, đậm độ năng lượng cao có mối liên quan chặt chẽ với sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì. Khi khẩu phần năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể dẫn đến năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong cơ thể.

Thói quen ăn nhanh, không nhai kỹ thức ăn, hay ăn vặt, sử dụng thức ăn nhanh (fast food), thích ăn ngọt, không ăn sáng, hay ăn nhiều vào buổi tối, đặc biệt là trước khi đi ngủ, … cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến thừa cân, béo phì ở trẻ.

Lối sống tĩnh tại như ít tập luyện thể dục thể thao, dành nhiều thời gian xem tivi, chơi trò chơi điện tử, … cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân - béo phì.

Ngoài ra, cũng có 10% trẻ bị thừa cân, béo phì là do những bệnh lý bẩm sinh di truyền có bất thường gen.

Nhiều hệ lụy của trẻ bị thừa cân, béo phì

Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo, béo phì có nguy cơ mắc các bệnh như người trưởng thành nhưng có thể nặng hơn do thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến nội tiết và tâm lý của trẻ. Bao gồm các vấn đề về tâm lý, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chuyển hóa bất thường glucose, rối loạn gan mật - đường ruột, khó thở khi ngủ.

Ngoài ra, trẻ cũng bị ảnh hưởng tâm lý xã hội khi đi học. Trẻ sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, chán chường, dẫn đến không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn, lâu dài sẽ dẫn đến trầm cảm.

Tình trạng béo phì ở trẻ em thường kéo dài đến hết giai đoạn thiếu niên, ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm thành công trong học tập nếu như không có các biện pháp kiểm soát việc ăn uống và vận động thể lực.

Bên cạnh đó, trẻ béo phì, thừa cân cũng dễ gặp biến chứng về giải phẫu, nghiêm trọng nhất là bệnh Blount (một dị dạng xương chày do phát triển quá mạnh), dễ bị bong gân mắt cá chân. Ngoài ra là bệnh thoái hóa khớp, đau thắt lưng bởi khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, dẫn đến các khớp này sớm bị tổn thương, gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày.

Cách khắc phục tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ

Trước thực trạng báo động về trẻ bị thừa cân, béo phì, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, việc cần thiết là xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cả ở trường học và ở nhà.

Theo đó, cho trẻ ăn đúng giờ theo bữa, đảm bảo đa dạng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi. Không cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn ngọt (bánh kẹo, nước ngọt, chè, kem, ...), thức ăn béo (trà sữa, thức ăn nhanh, đồ chiên, xào, mỡ động vật, ...).

Không nên bắt trẻ học quá nhiều, tạo điều kiện để trẻ có thể vui chơi, vận động sau những giờ học căng thẳng, thông qua các hoạt động đơn giản như đi bộ đến trường, tham gia các môn thể thao (nhảy dây, đá bóng, cầu lông, …), làm các công việc nhà (quét nhà, lau dọn nhà cửa...).

Hạn chế cho trẻ ngồi lâu xem tivi, chơi trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại.

Trẻ cần được ngủ đủ trung bình từ 8 - 10 tiếng mỗi ngày.

Cha mẹ cần theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời, dự phòng thừa cân, béo phì.

Học sinh thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh tật học đường ở TP.HCM - Ảnh 2.

Hậu quả của béo phì và thừa cân ở trẻ emHậu quả của béo phì và thừa cân ở trẻ em

SKĐS - Ngày nay, tỷ lệ trẻ béo phì, thừa cân ngày càng gia tăng, nhiều cha mẹ cũng biết được hệ lụy của nó. Tuy nhiên, tình trạng thừa cân, béo phì gây ra những hệ lụy gì, hậu quả ra sao, không phải nhiều cha mẹ hiểu rõ.


Vân Nhi
Ý kiến của bạn