Học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ trong tuần

TS. Vũ Thị Minh Huyền

TS. Vũ Thị Minh Huyền

10-04-2024 15:15 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Đề xuất giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên là một trong những nội dung mới lần đầu tiên được đề cập tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến.

Theo đó, học sinh, sinh viên đủ 15 tuổi trở lên được làm thêm, nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ.

Cuối tuần vừa rồi, tôi có lịch dạy với 2 lớp sinh viên ở 2 trường cao đẳng. Tranh thủ giờ giải lao, tôi chia sẻ thông tin về việc lấy ý kiến quy định tối đa 1 tuần sinh viên chỉ được làm thêm 20 giờ và muốn nghe ý kiến của các em. Tôi nhận được những câu trả lời khá thực tế. Vì khá nhiều sinh viên lớp tôi dạy đang đi làm thêm ngoài giờ.

Khi tôi hỏi về lịch làm thêm và mức lương các em nhận được thì nhận được các thông tin như sau: Có em làm công việc quay livestream cho Shopee mỗi một ca được trả 200.000 đồng. Có em làm phục vụ bàn ở Nhà hàng Lotteria, lịch làm việc từ 17h đến 23h, mức lương 22.000 đồng/h. Có em làm phục vụ ở quán trà sữa, quán cafe từ 17h đến 23h, mức lương 17.000 đồng/h-23.000 đồng/h.

Nhiều sinh viên chia sẻ với tôi số tiền làm thêm đó mỗi tháng không chỉ tự trang trải cho bản thân mà còn để dành một chút để gửi về quê phụ giúp bố mẹ. Sau khi nghe các em chia sẻ chuyện làm thêm, tôi thực sự khâm phục các em.

Khi tôi hỏi các em việc quy định thời gian làm thêm trung bình 1 ngày chỉ được làm 4h thì các em nghĩ sao? Các em nói rằng nếu quy định này trở thành hiện thực thì các em sẽ rất khó xin việc. Vì người chủ lao động luôn tuyển người làm 6h/1 ca. Thậm chí, khi làm nhân viên phục vụ ở quán bia, trên hợp đồng chỉ ký là 6h/1 ca nhưng thực tế là hết 6h vẫn chưa được phép về mà phải chờ hết khách mới được về. Các em khá lo lắng sau này khó xin được việc làm thêm.

Học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ trong tuần- Ảnh 1.

Các em học sinh nói rằng nếu quy định này trở thành hiện thực thì các em sẽ rất khó xin việc. (ảnh minh họa)

Cá nhân tôi thì cho rằng đề xuất này là phù hợp. Bởi thực tế, có những em sinh viên phải làm thêm từ 17h đến 23h, nhưng còn phải ở lại dọn dẹp xong mới được rời quán, về đến nhà trọ cũng gần 1h sáng. Các em tắm giặt muộn, quá mệt không còn đủ sức học bài nữa. Sáng hôm sau đi học, vì ngủ ít nên luôn có cảm giác buồn ngủ, học không tiếp thu được nhiều. Có những em ham kiếm tiền hoặc gia đình quá khó khăn không có tiền nuôi các em ăn học nên các em buộc phải đi làm thêm nhiều, hậu quả là lên lớp hay ngủ gật, kết quả học tập kém. Bên cạnh đó, tôi được biết một số trường đại học ở nước ngoài cũng quy định sinh viên đến du học được phép làm việc một tuần không quá 20 giờ.

Các nước phát triển đưa ra quy định hạn chế sinh viên quốc tế làm việc nhằm mục tiêu đảm bảo du học sinh không lơ là việc học hay rộng hơn đảm bảo chất lượng nền giáo dục. Chưa kể, du học sinh làm thêm quá nhiều giờ có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên, người dân bản địa. Trong khi đó, sinh viên nội địa ở các quốc gia trên thế giới chủ yếu được khuyến khích làm việc 20 giờ/tuần để đảm bảo cân bằng việc học.

Xây dựng quy định giới hạn giờ làm thêm là phù hợp, là đang tạo cơ hội cho các bạn học sinh, sinh viên có thêm việc làm, đồng thời nhằm đảm bảo sức khỏe cho các bạn khi đi làm thêm. Tuy nhiên, để thực hiện được không phải là điều dễ dàng. Nhà nước cần có nhiều giải pháp đồng bộ:

Thứ nhất, Nhà nước cần nêu rõ quy định, cơ chế kiểm tra giám sát, khung thời gian cho từng công việc. Chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng hành lang pháp lý trước khi áp dụng.

Thứ hai, sinh viên đi làm thêm cũng phải cung cấp mã số thuế cá nhân cho nhà tuyển dụng.

Thứ ba, nhà tuyển dụng phải có hợp đồng lao động rõ ràng với sinh viên. Tuyển dụng sinh viên làm thêm, doanh nghiệp phải nêu rõ là vị trí bán thời gian cố định hay không cố định; hoặc thời vụ.

Thứ tư, tất cả việc chi trả tiền lương cho nhân viên (bất kể bán thời gian hay toàn thời gian) đều được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng để cơ quan chức năng quản lý.

Thứ năm, cần đảm bảo việc làm đó được trả lương phù hợp, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.

Thứ sáu, nếu doanh nghiệp không tuân thủ luật, để cho sinh viên làm thêm quá 20 giờ/tuần sẽ bị cơ quan chức năng phạt nặng.

Thứ bảy, để sinh viên không sao nhãng học tập vì làm bán thời gian bên ngoài quá nhiều thì các Nhà trường có thể yêu cầu sinh viên ký cam kết. Trong đó, có quy định nếu sinh viên nghỉ quá 20% số giờ của một môn học thì không được tham gia thi kết thúc học phần. Do đó, mỗi sinh viên sẽ phải tự tính toán, bố trí thời gian để tham gia học đầy đủ và đạt kết quả, ra trường đúng hạn trong thời gian quy định.

Thứ tám, cần có những chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho sinh viên khó khăn và sự đồng hành, phối hợp từ nhiều bộ, ngành trong việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên.

Nhìn chung, hạn chế làm thêm không quá 20 giờ/tuần là phù hợp. Tuy nhiên, việc kiểm soát học sinh, sinh viên làm thêm và chủ doanh nghiệp không hề dễ dàng. Điều này còn tùy thuộc vào ý thức tự giác của sinh viên lẫn doanh nghiệp. Cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý thông qua báo cáo tài chính, chi trả tiền lương của doanh nghiệp. Nhà nước cần chuẩn bị kỹ lưỡng hành lang pháp lý trước khi áp dụng quy định giới hạn giờ làm thêm đối với học sinh, sinh viên.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!


TS. Vũ Thị Minh Huyền - Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam
Ý kiến của bạn