Hà Nội

Học sinh phải được định hướng nghề nghiệp từ bậc tiểu học

04-06-2022 19:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Bộ GD&ĐT quy định, ngay từ cấp tiểu học, học sinh phải được làm quen với công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục.

Học tiền tiểu học: Lợi bất cập hạiHọc tiền tiểu học: Lợi bất cập hại

SKĐS - Tháng 9 tới, lứa "khỉ vàng" 2016 sẽ bước vào lớp 1. Sau thời gian dài phải ở nhà để phòng dịch COVID-19, nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi này lo lắng đã cho con đi học các lớp tiền tiểu học.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Thông tư này được áp dụng từ bậc tiểu học đến bậc ĐH.

Theo đó, ở cấp tiểu học, nội dung nghề nghiệp và khởi nghiệp sẽ mang tính nhận biết, thông qua công việc, nghề nghiệp, việc làm của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số nghề nghiệp cơ bản. Nhà trường phải giáo dục học sinh hình thành các kỹ năng nhận thức, quản lý, khám phá bản thân, quản lý tài chính, kỹ năng giao tiếp; phát hiện, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu cho học sinh.

Học sinh phải được định hướng nghề nghiệp từ bậc tiểu học - Ảnh 2.

Ở cấp tiểu học, nội dung nghề nghiệp và khởi nghiệp sẽ mang tính nhận biết, thông qua công việc, nghề nghiệp, việc làm của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số nghề nghiệp cơ bản.

Đối với cấp THCS, nội dung này mang tính trải nghiệm, thông qua việc giáo dục học sinh có ý thức, thái độ tích cực về lao động nghề nghiệp, việc làm, hướng dẫn học sinh khám phá sở thích năng lực sở trường nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân. Giáo dục học sinh hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội, quản lý thời gian, ứng phó với căng thẳng, khủng hoảng, hợp tác và chia sẻ...

Bên cạnh đó, nhà trường tạo môi trường tổ chức cho học sinh làm quen, trải nghiệm thực tế một số nghề nghiệp, việc làm cơ bản phù hợp với điều kiện của nhà trường. Tư vấn, định hướng và bồi dưỡng kiến thức về nghề nghiệp, việc làm cho học sinh phù hợp với các ngành, nghề dự kiến lựa chọn. Cung cấp cho học sinh các thông tin, học liệu, tài liệu liên quan đến công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm.

Đối với cấp THPT, nội dung mang tính thực hành và định hướng về nghề nghiệp. Nhà trường giáo dục học sinh phát triển phẩm chất, năng lực bản thân và xác định nguyện vọng, sở thích nghề nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin về các cơ sở giáo dục ĐH, chương trình đào tạo và tư vấn cho học sinh về vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, nhà trường cung cấp thông tin và xu hướng phát triển của các ngành nghề trong xã hội; giáo dục học sinh hình thành, phát triển các kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, lãnh đạo, lập kế hoạch, tự học, giải quyết vấn đề; tổ chức cho học sinh tìm hiểu trải nghiệm thực tế đối với nhóm nghề nghiệp, việc làm theo sở thích nguyện vọng của học sinh.

Ở trình độ đào tạo ĐH và CĐ sư phạm, nội dung tập trung vào phát triển nghề nghiệp việc làm. Các trường cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin việc làm, tuyển dụng, yêu cầu về kĩ năng, thái độ của các nhóm nghề nghiệp, thông tin về nhu cầu thị trường lao động liên quan đến ngành đào tạo. Hỗ trợ sinh viên trải nghiệm, làm quen với công việc thực tế tại đơn vị đối tác, hướng dẫn sinh viên tham gia việc làm thêm phù hợp với thời gian học tập; đào tạo, bồi dưỡng giúp sinh viên rèn luyện, phát triển các kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội, quản lý cảm xúc và các kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm.

Bộ GD&ĐT cũng quy định từ bậc THCS đến ĐH, học sinh và sinh viên phải được tuyên truyền, phổ biến về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Hướng dẫn học sinh, sinh viên vận dụng kiến thức, kỹ năng hướng dẫn cung cấp tài liệu hình thành các dự án khởi nghiệp, kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi với các đối tác tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp.

Tất cả các nội dung về tư vấn nghề nghiệp và khởi nghiệp ở các bậc học đều phải được lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục nhà trường. Các cơ sở giáo dục phổ thông phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm hoặc chuyên trách để triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh.

Riêng bậc ĐH, thành lập đơn vị hoặc bộ phận thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Các trường cần quy định chính sách hỗ trợ cho sinh viên khi tham gia các hoạt động khởi nghiệp và đảm bảo quyền như đối với sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Xử lý bạo lực học đường: Cảm hóa học sinh, đừng tạo sự tủi nhục, bất bìnhXử lý bạo lực học đường: Cảm hóa học sinh, đừng tạo sự tủi nhục, bất bình

SKĐS - Liên quan đến việc một phụ huynh ở trường quốc tế ở TP. HCM tố con bị bạn học đánh, dưới góc độ quản lý giáo dục, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng dù giải quyết sự việc theo cách nào thì cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình.


ĐV
Ý kiến của bạn