Học sinh 'on - off' liên tục, các trường phải làm gì để đảm bảo an toàn phòng dịch?

17-02-2022 10:46 | Thời sự

SKĐS - Thực tế sau gần 2 tuần triển khai cho học sinh lớp 7 đến lớp 12 và 4 ngày cho học sinh tiểu học, lớp 6 ngoại thành Hà Nội đến trường học trực tiếp, nhiều trường lớp tại Hà Nội đã phải quyết định cho học sinh chuyển sang học online với lý do số ca mắc COVID-19 trong trường học tăng vọt.

Một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếpMột số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp

SKĐS - Không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh.

Có trường đã phải đóng cửa trường học khi có tới 37/76 lớp có học sinh F0. Có trường lại phải cho cả lớp nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học online bởi sĩ số lớp là 40 học sinh thì 15 em được xác định F0 qua test nhanh, tất cả học sinh còn lại trong lớp được xác định là F1. 

Một số trường phải thay đổi hình thức học của một số lớp và môn học do xuất hiện hàng loạt học sinh xét nghiệm PCR được khẳng định F0...

Phụ huynh lo lắng khi số ca COVID-19 tăng cao, con vừa đi học đã lại phải ở nhà

Dù đã lường trước tình huống sẽ có nhiều học sinh hoặc giáo viên mắc COVID-19 khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, nhưng nhiều phụ huynh và học sinh vẫn lo lắng và thấp thỏm ngày mai sẽ học "on" hay "off".

Chị Mai Hà (quận Cầu Giấy), phụ huynh có 2 con lớp 7 và lớp 12 cho biết, do lịch đi học phụ thuộc vào tình trạng F0 trong lớp, vì vậy gia đình cũng xác định phải ứng biến linh hoạt. Hôm nay con học trực tiếp nhưng mai con là F0 hoặc con tiếp xúc trực tiếp với bạn là F0 thì con lại trở về học online. 

"Sau một tuần đi học trực tiếp, cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi thỉnh thoảng lại thông báo trong nhóm zalo lớp có học sinh là F0. Đầu tuần này, con gái lớp 12 của tôi đã tiếp xúc trực tiếp với bạn F0 trong lớp và đã phải chuyển học trực tuyến tại nhà. Đến hôm nay thì cả 2 con tôi đều ở nhà học trực tuyến để đảm bảo an toàn".

Học sinh "on-off" liên tục, các trường phải làm gì để đảm bảo an toàn phòng dịch? - Ảnh 2.

Nếu các cơ sở giáo dục phát hiện trường hợp học sinh, giáo viên sốt, ho, khó thở, nghi mắc COVID-19 cần đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly; cung cấp khẩu trang, hướng dẫn đeo đúng cách cho đối tượng này...

Một hiệu trưởng tại huyện ngoại thành Hà Nội chia sẻ: "Tình hình sức khỏe của học sinh được giáo viên chủ nhiệm các lớp cập nhật liên tục, và con số F0 thay đổi từng ngày. Khi lớp học có F0, thì học sinh đó sẽ ở nhà học trực tuyến, các em tiếp xúc gần thì nhà trường cân nhắc cho các em học online hay không. Học sinh còn lại trong lớp và học sinh các lớp khác vẫn học bình thường theo lịch của nhà trường".

Trước tình hình F0 tăng cao tại nhiều trường khiến phụ huynh và học sinh lo lắng, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết, tinh thần chung vẫn phải cho học sinh đi học trở lại. Mọi công tác chuẩn bị, phương án xử lý khi xuất hiện F0 trong trường học đều đã được tập huấn cho các cơ sở giáo dục.

Theo Sở GD&ĐT, trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, nhà trường chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương. Sau đó, BCĐ phòng, chống dịch cấp quận có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh; có kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1.

Cách xử trí khi phát hiện học sinh, thầy cô giáo, người lao động trong trường nghi mắc, mắc COVID-9

Mới đây, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã có hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục và cách xử trí khi tổ chức dạy và học trực tiếp. Trong đó đặc biệt lưu ý về cách xử trí khi phát hiện học sinh, thầy cô giáo, người lao động trong trường nghi mắc, mắc COVID-9.

- Đối với các phụ huynh học sinh khi phát hiện con có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… thì cho học sinh nghỉ tại nhà, báo ngay cho nhà trường, cơ quan y tế để có biện pháp xử lý thích hợp.

- Nếu các cơ sở giáo dục phát hiện trường hợp học sinh, giáo viên sốt, ho, khó thở, nghi mắc COVID-19 cần đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly; cung cấp khẩu trang, hướng dẫn đeo đúng cách cho đối tượng này. 

Nhà trường cần thông báo cho Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh, lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời. Hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng. Sau đó, nhà trường khai thác các tiền sử tiếp xúc của học sinh này, thông báo phụ huynh và tham vấn ý kiến y tế địa phương.

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho học sinh nghi mắc COVID-19.

-Trường hợp phát hiện ca mắc COVID-19 ngay trong trường, thầy cô cần chuyển học sinh này xuống phòng cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã/phường hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để ngay lập tức cùng xử lý.

- Đối với lớp có học sinh mắc COVID-19: cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.

- Những học sinh không phải là F1 khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. 

- Trường hợp nếu là F1: cho học sinh F1 ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định.

- Về thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà: đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, thì ở nhà không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, âm tính, cho đi học trở lại; Đối với học sinh F1 chưa được tiêm vaccine, cũng cho nghỉ tại nhà, theo dõi chặt các biểu hiện, xét nghiệm theo quy định; nghỉ học không quá 14 ngày.

Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường.

Các bước xử lý khi có học sinh mắc COVID-19 trong trường họcCác bước xử lý khi có học sinh mắc COVID-19 trong trường học

SKĐS - Khi có học sinh mắc COVID-19 trong trường học thì xử lý như thế nào?

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn