Là học sinh sẽ dự thi tốt nghiệp vào năm 2025, em Đào Tuấn Anh - học sinh lớp 11A CLC, Trường THPT Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) cho biết: "Chúng em rất vui mừng khi biết tin sẽ thi tốt nghiệp THPT chỉ với 4 môn và giờ thì chúng em lại mong chờ sớm được biết đề thi minh họa để có phương hướng học tập, ôn luyện phù hợp. Em và các bạn mong muốn đề thi có nội dung sát với chương trình học, đảm bảo mục tiêu đánh giá năng lực của chương trình giáo dục mới".
Cùng ý kiến trên, em Nguyến Trần Minh (học sinh lớp 11 Trường THPT Hùng Vương, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng mong có đề thi minh họa càng sớm càng tốt để còn yên tâm ôn luyện. "Em rất phấn khởi vì sẽ được giảm áp lực thi cử để lựa chọn môn học sở trường, thời gian để đầu tư cho 4 môn thi cũng sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, em vẫn còn băn khoăn không biết liệu đề thi có chung khung kiến thức mà chúng em được học hay không bởi mỗi trường lại sử dụng bộ sách giáo khoa khác nhau".
Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng hy vọng sớm có đề thi minh họa để việc dạy học được hiệu quả, ổn định nhất.
Cô Nguyễn Hương Giang - giáo viên Trường THPT Công nghiệp (Phú Thọ) cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025 là kỳ thi đầu tiên theo chương trình GDPT 2018 nên chắc chắn sẽ có nhiều em lo lắng và mong sớm biết được đề thi minh họa. "Việc có đề minh họa sớm, giáo viên sẽ nghiên cứu và tìm nguồn tài liệu để có nội dung ôn tập phù hợp cho từng học sinh bởi các em học sinh sinh năm 2007 này không thể dựa vào nguồn đề thi từ các năm học trước".
Bên cạnh đó, theo cô Giang, để đúng với tinh thần phát triển năng lực của người học cần tăng thêm các câu hỏi vận dụng trong đề thi tốt nghiệp THPT. Đó là những dạng câu hỏi học sinh có thể vận dụng các kỹ năng xử lý thông tin, tư duy, suy luận để tìm đáp án đúng. Nội dung câu hỏi cần hướng đến sự sáng tạo chứ không bó hẹp trong sách vở.
"Hiện tại các địa phương và trường đang sử dụng những bộ sách khác nhau. Việc ra đề thi phải có sự giao thoa giữa các bộ sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, bên cạnh đó cần sớm có lộ trình, tránh những thay đổi quá lớn và quá cận về mặt thời gian. Với tinh thần phát triển năng lực, phẩm chất người học, việc ra đề các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao dưới hình thức trắc nghiệm là không còn phù hợp. Cần có phương án hợp lý để phát huy được sự sáng tạo của học sinh và phù hợp với định hướng phát triển của chương trình mới", cô Giang chia sẻ.
Còn thầy Lê Văn Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cửa Lò (Nghệ An) cho biết: Nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng kiểm tra đánh giá với phương châm "học thật, thi thật và kết quả thật", trên cơ sở đó giúp các em nắm vững kiến thức các môn học, để các em phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực. "Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, nhà trường sẽ chỉ đạo tổ chuyên môn thực hiện sinh hoạt chuyên đề trao đổi thảo luận, phân tích cấu trúc nội dung đề thi minh họa, từ đó điều chỉnh kế hoạch ôn tập, dạy học sát, đúng đối tượng, đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025".
Về phía Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, về nguyên tắc, đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 sẽ công bố khi học sinh học tới chương trình lớp 12. Hiện lứa học sinh này đang ở giai đoạn học kỳ 1 của lớp 11.
"Tuy nhiên, đánh giá việc có đề minh họa có vai trò quan trọng trong dẫn đường, định hướng quá trình ôn tập của giáo viên, học sinh nên lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định ngay khi thử nghiệm định dạng cấu trúc đề minh họa sẽ có đề mô phỏng định dạng đề thi. Nội dung đề mô phỏng có thể chỉ là kiến thức lớp 10, 11 nhưng có ý nghĩa trong việc chỉ rõ cho thí sinh và giáo viên biết năng lực nào cần quan tâm, hàm lượng kiến thức như thế nào, cách thức ra đề thi ra sao. Dự kiến đề mô phỏng sẽ được thực hiện trong quý 4/2023".