Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, ĐBQH Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu, hiện nay trên thị trường có khoảng 20.000 loại hương liệu để sản xuất thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều loại hương liệu chưa được đánh giá toàn diện về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo Đại biểu, những hương liệu này được bày bán công khai như các loại thuốc lá thông thường tại các cửa hàng tạp hóa… các em học sinh rất dễ mua, sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Đại biểu Châu Quỳnh Dao chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương và biện pháp khắc phục trong thời gian tới để giải quyết vấn đề này?
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã có 2 tờ trình báo cáo việc ban hành nghị quyết thí điểm chính sách quản lý loại hình thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có hương liệu.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương làm việc và thống nhất với Bộ Y tế về chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới. Bộ Công Thương đã có 2 lần làm việc với Bộ Y tế, hiện vẫn đang trong quá trình rà soát để thống nhất quan điểm của Bộ Y tế, hoàn thiện chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.
Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/CP/2013 về kinh doanh thuốc lá để có hình thức quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, quan điểm của Bộ Y tế yêu cầu là cấm sử dụng, trong khi Bộ Tư pháp có ý kiến cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay.
"Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý tiệm cận với quan điểm của Bộ Y tế là cấm sử dụng", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Nên cấm kinh doanh và nhập khẩu
Tại Tọa đàm về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hồi tháng 10/2023, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Đinh Thị Thu Thủy cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam nên cấm kinh doanh và nhập khẩu các sản phẩm thuốc là mới. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Bà Đinh Thị Thu Thủy cho biết thêm, những quốc gia áp dụng biện pháp cấm bán và nhập khẩu phần lớn các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình và họ quản lý theo chính sách cấm. Các yếu tố quyết định chính sách ở mỗi nước sẽ phụ thuộc vào điều kiện KT-XH của từng nước.
Các nước cấm bán và nhâp khẩu thường do các biện pháp kiểm tác hại thuốc lá chưa được thực hiện tốt và nguồn lực hạn chế. Trong khi các nước áp dụng biện pháp quản lý như dược phẩm lại có hệ thống các quy trình phê duyệt rất rõ ràng, năng lực của cơ quan quản lý cũng đảm bảo…
Trong khi đó ở Việt Nam, thuốc lá mới hiện nay vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng để cấm quản lý hay xử phạt hành vi vi phạm. Chúng ta chưa có quy định cấm kinh doanh đối với thuốc lá mới vì chúng ta chưa có một khái niệm rõ ràng về thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng.
"Với sản phẩm này, các cơ quan chức năng đang chủ yếu tập trung xử lý vi phạm về buôn lậu, kinh doanh hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Thị Thu Thủy cho hay.