Thay vì 7h như thường lệ, sáng 14/2, Nguyễn Khánh Vy, học sinh lớp 2, trường Tiểu học Vinschool, quận Bình Thạnh thức dậy từ 6h, ăn sáng rồi giục bố đưa đến trường.
Nhà gần trường, chỉ phải đi bộ nhưng trên đường đi Khánh Vy thấy rất nhiều bạn, anh chị được bố mẹ cho đến trường. Nét mặt ai nấy đều vui tươi, hớn hở. Đến trường, Khánh Vy chào bố, bước vào lối đi đã được phân cách, đo thân nhiệt rồi lên lớp.
"Sáng nay tôi đưa con đi học trở lại mà thấy hồi hộp và hạnh phúc. Về việc thực hiện 5K thì tôi đã tập cho bé ở nhà, mong cô giáo sẽ nhắc nhở bé thêm. Tôi cũng mong là tình hình dịch ổn định để các con được hưởng trọn vẹn những lợi ích của việc đi học", anh Tài, bố bé Khánh Vy nói.
Phụ huynh 43 tuổi này cũng xác định có thể xảy ra tình huống F0 trong trường của con mình bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, anh không quá lo lắng bởi trước đó anh đã được tham dự buổi họp phụ huynh của nhà trường, trong buổi họp đó có nêu phương án xử lý tình huống cụ thể khi học sinh nghi mắc COVID-19 nhanh chóng, an toàn.
Cũng trong sáng nay, có mặt trước cổng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, chị Nguyễn Thị Xuân Thu, phụ huynh học sinh lớp 1 không giấu được niềm vui trong ánh mắt cho biết.
"Sau một thời gian học online, nay các con được đến trường học trực tiếp. Các con vui mà mẹ cũng vui. Các bé rất là vui, háo hức. Tối qua là con tôi đã chuẩn bị cặp xách, mặc quần áo đứng trước gương. Sáng nay con dậy rất sớm. Tôi mới đến cổng trường là cô giáo đã đón con đưa vào tận lớp. Tôi thấy công tác chuẩn bị của trường rất là tốt nên yên tâm cho con học bán trú".
Cũng theo chị Thu, việc học online trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch COVID-19 có nhiều bất cập, trẻ không được giao tiếp với thầy cô, bạn bè trực tiếp nên hạn chế. Việc đi học trực tiếp có ý nghĩa tích cực rất lớn đối với trẻ.
Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, có hơn 80% phụ huynh học sinh tiểu học và gần 70% phụ huynh học sinh từ 3 - 6 tuổi đăng ký cho con em đi học trực tiếp đợt này.
Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, học sinh tiểu học TP.HCM sẽ đi học trực tiếp trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.
Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM cũng yêu cầu giáo viên tiểu học dành thời gian hướng dẫn cho học sinh các thói quen phòng dịch COVID-19 tại trường; xây dựng nề nếp học tập, phân loại học sinh theo từng nhóm căn cứ vào khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh; tổ chức ôn tập kiến thức đã học trong giai đoạn học sinh học qua mạng.
Cũng theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, từ ngày 21/2, các trường tiểu học sẽ thực hiện giảng dạy chương trình tuần 20 của năm học. Việc kiểm tra định kỳ dành cho học sinh khối 1, 2 sẽ được thực hiện vào tuần 21.
Trước đó, vào tháng 12/2021, hơn 600.000 học sinh khối 7-12 lần lượt đến trường học trực tiếp.
Giáo viên, phụ huynh phối hợp theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ khi đi học trở lại
Sáng 14/2, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu đoàn công tác của UBND, Sở Y tế, Sở GDĐT TP HCM đến kiểm tra tại một số trường trên địa bàn TP HCM về cơ sở vật chất, phòng chức năng, phòng dự phòng, cách ly và phương án phòng chống dịch COVID-19 trong ngày đầu tiên học sinh bậc học mầm non, tiểu học và lớp 6 của TP HCM bắt đầu đi học tập trực tiếp tại trường sau khoảng thời gian dài học trực tuyến.
Theo ông Dương Anh Đức, nhà trường và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi, kịp thời nắm bắt những thay đổi về sức khỏe của trẻ.
"Trước khi cho các cháu đến trường phải theo dõi xem có vấn đề gì bất thường hay không, trong lớp có trường hợp nào bất thường hay không, những thông tin khác thường cần được thông tin cho nhà trường để cùng phối hợp có bước xử lý an toàn. Khi thấy học sinh có biểu hiện sức khỏe bất thường, cần báo ngay cho giáo viên. Việc hướng dẫn nhằm để phụ huynh yên tâm cho con em đi học, chứ không phải để họ hoang mang, lo lắng", ông Dương Anh Đức nói.
Đối với những trẻ chưa có điều kiện học trực tiếp, nhà trường phải tiếp tục duy trì việc học trực tuyến, phải tạo điều kiện tối đa để cho học sinh thành phố được học tập trong điều kiện tốt nhất có thể, không để các cháu bị ảnh hưởng về mặt kiến thức, khả năng giao tiếp, tiếp xúc và làm quen với xã hội…
Theo ông Đức, thành phố mong muốn việc dạy học cho tất cả các cấp lớp diễn ra ổn định, liên tục và theo tinh thần linh hoạt. Nếu có vấn đề xảy ra thì xử lý cục bộ ở đó, đảm bảo việc dạy học vẫn tiếp diễn theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho các em.