Đây là một trong những nội dung trong kế hoạch phối hợp triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vaccine cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học của liên Bộ Y tế và Giáo dục & Đào tạo.
Kế hoạch do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Minh đồng ký ban hành.
Việc kiểm tra tiền sử và tiêm chủng cho trẻ khi nhập học đã được triển khai tại nhiều quốc gia
Theo các chuyên gia, cơ sở giáo dục là môi trường tập trung số lượng lớn trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nguy cơ lây truyền dịch bệnh là không nhỏ.
Triển khai hàng năm hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vaccine khi nhập học cho những trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi sẽ giúp can thiệp đúng đối tượng, thu hẹp khoảng trống miễn dịch kịp thời, không để dịch xảy ra, góp phần tiết kiệm nguồn lực về con người, vaccine chủ động là biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khoẻ trẻ em.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng cho trẻ bước vào độ tuổi đi học trong chiến lược tiêm chủng trọn đời, để đạt các mục tiêu loại trừ bệnh sởi, rubella, viêm gan B và nhiều bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng.
Đến nay, việc kiểm tra tiền sử và tiêm chủng cho trẻ khi nhập học đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…
Với cách tiếp cận này nhiều quốc gia đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi, rubella và ghi nhận những hiệu quả tích cực trong phòng ngừa dịch bệnh cũng như tiết kiệm nguồn lực so với việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt cho tất cả trẻ em trong cộng đồng.
Tại Việt Nam, công tác kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vaccine khi nhập học cho các trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine là một hướng tiếp cận mới, phù hợp với khuyến cáo của WHO và phù hợp với xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ <1 tuổi đạt 90-95%. Trung bình hàng năm có 100.000-200.000 trẻ chưa được tiêm đủ mũi.
Tiêm chủng ở trường học: Chiến lược được khuyến nghị để tăng độ bao phủ của vaccine và giảm gánh nặng một số bệnh
Các chuyên gia cũng cho hay, trường học là môi trường rất thuận lợi cho bùng phát dịch bênh do: Trẻ đến từ nhiều nơi khác nhau, môi trường đông, tiếp xúc gần trong thời gian dài; Tập trung số lượng trẻ lớn, nhiều độ tuổi khác nhau nên tích luỹ trẻ chưa được tiêm chủng đủ tại cùng 1 địa điểm.
Trong khi đó việc tổ chức các chiến dịch tiêm chủng bổ sung không thể thực hiện hàng năm do nguồn lực hạn chế, khó thực hiện.
Việc triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học và tiêm bổ sung cho những trẻ chưa tiêm đủ mũi là giải pháp hiệu quả: Giúp hàng năm thu hẹp khoảng trống miễn dịch, chủ động phòng chống dịch; Tiết kiệm nguồn lực so với triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt cho tất cả trẻ em trong cộng đồng.
"Kiểm tra tình trạng tiêm chủng khi nhập học hoặc trong năm học là một chiến lược được khuyến nghị để tăng độ bao phủ của vaccine tiêm chủng mở rộng và giảm gánh nặng một số bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine ở trẻ em trong độ tuổi đi học; Nâng cao sức khỏe học đường"- chuyên gia tiêm chủng cho hay.
Tiêm chủng tại trường học cung cấp một hoặc nhiều loại vaccine sẵn tại trường để tiêm cho trẻ chưa hoàn thành tiêm chủng thường xuyên
Thông tin từ chương trình tiêm chủng mở rộng cho biết, đây là lần đầu tiên hình thức tiêm chủng trường học được triển khai tại Việt Nam trong khuôn khổ dự án: Hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù mũi các vaccine trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
Hoạt động này nhằm tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ở nhóm trẻ độ tuổi mầm non, tiểu học để chủ động phòng ngừa các bệnh có vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng với mục tiêu 99% các trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các vaccine trong Chương trình TCMR khi trẻ nhập học đầu cấp ở cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại các địa phương triển khai;
90% các trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi vaccine sởi, sởi-rubella (MR), vaccine bại liệt (bOPV, IPV), và viêm não Nhật Bản (VNNB) được tiêm chủng bù mũi để phòng bệnh.
Theo đó, trong năm 2022-2023 triển khai quy mô nhỏ tại 12 tỉnh của 4 khu vực gồm Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng.. Các năm học sau mở rộng phạm vi triển khai. Năm 2023-2024 triển khai ở 50% số tỉnh trên cả nước Từ 2024-2025 tiến hành trên toàn quốc .
Tiêm chủng ở trường học nhìn từ cách làm của Thái Lan:
Khi trẻ vào lớp 1, phụ huynh cung cấp “Sổ tay Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em” cho trường
Nếu không có sổ, cha mẹ phải đi lấy lịch sử tiêm chủng của trẻ tại nơi trẻ đã tiêm vaccine, hoặc nhân viên y tế địa phương yêu cầu phụ huynh nhớ lại.
Cán bộ y tế sao hồ sơ tiêm chủng của trẻ
Nhà trường phối hợp với nhân viên y tế địa phương kiểm tra hồ sơ tiêm chủng của trẻ và xác định những trẻ em chưa hoặc tiêm chủng không đầy đủ và thông báo cho cán bộ y tế của trường.
Cán bộ y tế tư vấn cho phụ huynh và yêu cầu họ đồng ý cho con được tiêm tại trường hoặc yêu cầu họ đưa con đi tiêm các mũi còn thiếu.
Sau khi tiêm chủng, sổ hồng gốc và hệ thống được cập nhật.