Những đối tượng được dự thi trong kỳ thi
Nhiều học sinh và phụ huynh thắc mắc: "Học sinh lớp 10 và 11 có được phép đăng ký dự thi các kỳ thi đánh giá năng lực để thử sức hoặc bảo lưu kết quả để xét tuyển năm sau hay không?".
Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, học sinh lớp 10, lớp 11 không phải là đối tượng của kỳ thi đánh giá năng lực. "Theo phân bố bài thi đánh giá năng lực, có đến 70% kiến thức thuộc chương trình lớp 12; chỉ 30% nội dung là kiến thức lớp 11. Do đó, các em lớp 11, lớp 10 dự thi sẽ đạt điểm rất thấp, từ đó ảnh hưởng không tốt đến tâm lý. Nếu muốn được làm quen, các em nên thử sức bằng đề tham khảo mà ĐHQG Hà Nội đã công bố. Nếu đóng tiền để dự thi, trong khi biết chắc kết quả sẽ thấp là không nên".
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, đối tượng dự thi trong kỳ thi là học sinh đang học gần hoàn thành chương trình lớp 12 hoặc tương đương (vì kỳ thi có đợt tổ chức vào tháng 3, học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12).
Khi đăng ký dự thi đánh giá năng lực, hệ thống yêu cầu đối tượng dự thi kê khai năm sinh và điểm của 5 học kỳ liên tiếp. Do đó, học sinh lớp 10, 11 không đủ điều kiện đăng ký. Thí sinh kê khai thiếu trung thực, nhà trường có quyền cấm thi, hủy kết quả thi. Điều này đã được cảnh báo.
Còn đối với Đại học Quốc gia TP.HCM, TS. Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết: "Học sinh lớp 11 không thuộc đối tượng dự thi. Từ khi bắt đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2018 Đại học Quốc gia TP.HCM đã quy định rõ điều này".
Theo TS. Nguyễn Quốc Chính, trang đăng ký không cho người có năm sinh 2007 đăng ký. "Một số học sinh đi học sớm (tuy sinh 2007 nhưng học lớp 12) thì liên hệ với Trung tâm để hỗ trợ đăng ký. Đến thời điểm hiện tại chỉ mới có 2 trường hợp sinh năm 2007 nhưng học lớp 12 liên hệ với trung tâm".
Học sinh lớp 12 có nên tham gia các "lò" luyện thi đánh giá năng lực?
Trước thông tin nhiều thí sinh tham gia các "lò" luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ở nhiều nơi, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ôn thi là việc cần thiết, bất cứ một kỳ thi nào thí sinh cũng cần phải có kế hoạch ôn thi nghiêm túc. Thế nhưng việc luyện thi sẽ chỉ phù hợp với những bài thi tủ, những bài thi có 1-2 đề. Còn đối với những bài thi có tính chuẩn hóa như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, cách ra đề thi và số lượng câu hỏi sẽ bám vào chuẩn đầu ra của chương trình THPT, không tuyên bố giới hạn phần nào, không lược bỏ phần nào.
Bài thi chỉ phân theo tỉ lệ cơ cấu, với lớp 12 là 70%, lớp 11 là 20% và 10% lớp 10. Bài thi đảm bảo cơ cấu, đảm bảo ma trận, tỉ lệ xuất hiện trong đề thi. Do vậy, nếu thí sinh luyện thi hoặc học lệch, học tủ sẽ khó đáp ứng được với những bài thi chuẩn hóa.
"Việc luyện thi mang tính may rủi rất cao, lần này thí sinh có thể làm được bài nhưng lần sau có thể không làm được; thí sinh này có thể làm được bài nhưng thí sinh khác lại không. Bài thi đánh giá năng lực không có công thức chung cho tất cả thí sinh, trong khi hầu hết những người đi luyện thi đều học một công thức chung, học một dạng chung, học mẫu chung".
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyên thí sinh hãy dành thời gian ôn tập, hệ thống hóa lại kiến thức. Bài thi tham khảo, cấu trúc đề, đề cương chi tiết của các bài thi đánh giá năng lực đều đã công bố, thí sinh ít nhất phải đọc qua, xem trong đó phần nào còn yếu để đẩy mạnh ôn tập. "Thí sinh khi muốn dự thi một kỳ thi nào đó, phải tìm hiểu kỹ cấu trúc của bài thi, cách đặt câu hỏi, bài thi hỏi những nội dung nào, đánh giá năng lực ra sao… từ đó mới có thể chủ động ôn luyện đạt kết quả cao'.