Chia sẻ với VnExpress, chị Minh, có con học lớp 1, trường tiểu học Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị bị "tẩu hỏa nhập ma" vì chương trình học của con. Mới hơn một tháng mà bé Bin (con chị Minh) đã phải học hết bảng chữ cái, tập viết từng chữ và song song học ghép từ.
Cùng một chữ nhưng cách viết trong sách và vở đánh vần của bé lại khác nhau (cùng một chữ L nhưng viết là l và chữ l có móc) khiến bé không phân biệt được. Bin không thể nhớ nổi những chữ ghép như: Ch, gh, ng, nhưng bài đọc lại yêu cầu đọc đến 3 dòng, toàn những từ đôi. Từ môi trường mẫu giáo chỉ biết vui chơi chuyển lên lớp 1, Bin nói sợ phải học đánh vần, viết chữ.
"Vợ chồng tôi hoang mang không biết phải hướng dẫn con học như thế nào vì cách đánh vần, viết nét của học sinh tiểu học bây giờ khác trước. Con mới làm quen với số 0-9 mà đã có những bài tập khó như: Có 6 người, muốn chia thành các nhóm 2 người thì có mấy cách chia. Cả ngày học trên lớp, con vẫn được giao bài tập về nhà. Tôi không hiểu tại sao học sinh tiểu học phải học nhiều đến thế", chị Minh băn khoăn.
Chưa biết đọc nên một số bài tập Bin không nhớ được đề, cô giáo đã đọc cho trên lớp, sau đó bé không biết giải thế nào. Để con không bị chậm so với bạn bè, chị Minh quyết định cho Bin đến nhà cô giáo học thêm đánh vần 2 buổi một tuần.
Có con gái học lớp 1 ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), chị Thanh phải chuyển lớp cho con vì bé bị áp lực bài vở nhiều quá. Người mẹ kể, do tiếp thu kiến thức chậm, bé Minh Anh con chị bị cô giáo xếp vào hạng kém nhất lớp và được nhắc nhở liên tục. Học chưa đầy 2 tháng, bé đã được yêu cầu phải biết đọc trơn tru.
"Sau hơn một tháng vào học con tôi đã bị nhắc không biết đọc trơn rồi. Cháu bị stress, chán ăn và sợ đến trường", chị Thanh chia sẻ và cho rằng những môn như Đạo đức, Thủ công, Mỹ thuật nên cho học sinh lớp 1 học nhiều hơn để đào tạo các kỹ năng mềm, nhưng chương trình hiện tại lại chỉ chú trọng Toán, tiếng Việt.
Để con đỡ bị áp lực bài vở khi học trường công, anh Nam cho con vào một trường dân lập có tiếng ở Hà Nội. Tuy nhiên, vị phụ huynh này tá hỏa vì: "Lớp 1 trường tư mà học rõ lắm. Đã học trên lớp rồi, tối về lại phải ôn bài cũ, làm bài tập và xem trước bài hôm sau. Cuối tuần, đáng lý con được nghỉ để vui chơi thì cô giáo lại giao 4 mặt giấy bài tập để làm".
Chỉ học ở "trường làng", nhưng bé Minh Hiếu (lớp 1, trường tiểu học An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng bị từ thầy cô đến phụ huynh "nhồi" kiến thức. Cả ngày học trên lớp, tối về Hiếu phải làm bài tập Toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Vở Toán của em chằng chịt những phép nối số đếm tương ứng với hình vẽ, viết số đếm theo hình vẽ và so sánh các số đếm theo hình vẽ.
Khi chưa học hết bảng chữ cái tiếng Việt, giáo viên đã yêu cầu học sinh lớp 1 viết hoàn chỉnh một từ tiếng Anh. "Con tôi không thể viết được từ "apple" (quả táo) vì cháu chưa học đến chữ "p" trong bảng chữ cái tiếng Việt. Mỗi ngày cháu phải học thuộc mấy từ tiếng Anh nữa", phụ huynh của Hiếu nói.
Trường quê không tổ chức dạy thêm nhưng để con theo kịp yêu cầu bài vở của giáo viên, tối nào Minh Hiếu cũng được mẹ rèn viết chữ, làm bài tập, có khi đến 22-23h. Tối thứ bảy, bé cũng không được nghỉ.
Chia sẻ với VnExpress, cô Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 ở Hà Nội, thừa nhận "Chương trình học nặng nề so với lứa tuổi của học sinh lớp 1. Các giáo viên cũng khó truyền tải hết kiến thức chỉ trong giờ dạy chính quy được".
Theo giáo viên này, để rèn được một kỹ năng, kiến thức cho học sinh lớp 1 cần nhiều thời gian vì các con bắt đầu làm quen việc học. Tuy nhiên, theo chương trình, học sinh chỉ có 2 tiết học nét sau đó tập tô chữ, ghép chữ luôn. Với một buổi học, bé khó nhớ được 2 âm, ghép 3-4 con chữ.
Môn Tự nhiên xã hội có bài yêu cầu sưu tập tranh ảnh về các loại thực phẩm, nhưng hầu như học sinh mới vào lớp 1 chưa tự làm được. Môn thủ công có 30 phút mà phải vẽ, cắt dán mấy hình, một số học sinh còn chưa biết cầm thước kẻ nên chẳng thể hoàn thành.
Theo cô Hà, chính vì chương trình quá nặng nên hầu hết học sinh ở thành phố đều được bố mẹ cho học thêm từ trước, các em không được học sẽ bị chậm kiến thức so với các bạn. Thầy cô cũng buộc phải tận dụng mọi thời gian để kèm thêm cho học sinh. Biết có quy định không được giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 nhưng với một số em học chậm, cô Hà vẫn phải đề nghị phụ huynh kèm cặp con đọc, viết, làm thêm bài để bắt kịp các bạn.