Học sinh lớp 1, 2: Học online thi trực tiếp, liệu có phù hợp?

14-12-2021 16:05 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau khi Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ứng phó với dịch COVID-19, nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang và lo lắng. Bộ GD&ĐT nói gì về vấn đề này?

Chuyên gia chỉ cách giải tỏa áp lực, giúp trẻ hứng thú với học online kéo dàiChuyên gia chỉ cách giải tỏa áp lực, giúp trẻ hứng thú với học online kéo dài

SKĐS - Việc học online kéo dài, thay thế hoàn toàn việc đến trường học truyền thống đã được chứng minh là có những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của các em học sinh.

Khi thời điểm kiểm tra cuối học kỳ I của các cơ sở giáo dục phổ thông đã tới gần, ngày 13/12, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn việc kiểm tra đánh giá học sinh để phù hợp hình thức tổ chức dạy học ứng phó với dịch COVID-19. Theo hướng dẫn, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học đối với học sinh lớp 1 và lớp 2 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp.

Phụ huynh lo lắng khi học sinh lớp 1, 2 phải đến trường kiểm tra trong khi số ca mắc COVID-19 vẫn tăng cao

Sau khi biết thông tin, chị Lương Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 1 tại một trường tư thục trên địa bàn thấy rất khó hiểu với hướng dẫn này của Bộ GD&ĐT. Theo chị Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, con chị phải học trực tuyến ở nhà suốt từ đầu năm đến nay. Các con học kiến thức trong kỳ I là trực tuyến, vậy tại sao tới bước kiểm tra, đánh giá cuối kỳ I lại phải làm bài trực tiếp tại trường, trong khi dịch ở Hà Nội ngày hôm qua lên tới 1.000 ca mắc.

Yêu cầu học sinh lớp 1, 2 kiểm tra trực tiếp liệu có phù hợp với tình hình thực tế? - Ảnh 2.

Nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đều đang bàn bạc, lấy ý kiến phụ huynh, giáo viên để xây dựng phương án kiểm tra học kỳ trực tuyến, chủ động trong mọi tình huống. Ảnh minh họa

"Dù đến thời điểm này, gia đình tôi chưa nhận được thông báo gì từ phía nhà trường, nhưng nếu nhà trường yêu cầu phải  đưa con đến trường để kiểm tra các môn cuối kỳ trực tiếp thì tôi rất lo lắng cho sự an toàn của con mình khi số ca mắc tại Hà Nội dẫn đầu cả nước ".

Cùng sự băn khoăn như chị Minh, anh Thanh (Hà Đông) tỏ ra khá bức xúc trước thông tin học sinh lớp 1, 2 phải tới trường kiểm tra trực tiếp. Theo anh Thanh, thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì kế hoạch đến trường phải được Sở GD&ĐT và các nhà trường thông báo một cách rõ ràng, có phương án phòng dịch COVID-19 cụ thể để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của học sinh.

"Con tôi từ khi "bước chân" vào lớp 1 đến nay, cháu đều học trực tuyến ở nhà. Khai giảng trực tuyến, gặp thầy cô, bạn bè đều qua màn hình máy tính. Theo tôi, thời điểm này, học sinh lớp 1, 2 đến trường để kiểm tra trực tiếp sẽ gây áp lực cho trẻ. Tôi thấy hướng dẫn này của Bộ GD&ĐT đưa ra không hợp lý, thiếu tính thực tế".

Theo thông tin của PV ghi nhận trong buổi sáng nay, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đều đang bàn bạc, lấy ý kiến phụ huynh, giáo viên để xây dựng phương án kiểm tra học kỳ trực tuyến, chủ động trong mọi tình huống. Một số hiệu trưởng của trường tiểu học đều cho rằng, việc kiểm tra trực tiếp đối với học sinh lớp 1, 2 là điều không thể và chưa phù hợp với tình hình thực tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ

Trước băn khoăn của phụ huynh và nhà trường, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) giải thích, Bộ GD&ĐT đưa ra công văn hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thời điểm này để các địa phương chủ động lên phương án, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Đối với học sinh lớp 1 và 2, Bộ GD&ĐT hướng dẫn tổ chức kiểm tra định kỳ (cuối học kỳ I và cuối năm) với chỉ hai môn là Toán và Tiếng Việt. Việc kiểm tra trực tiếp nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp.

Theo Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, trước diễn biến dịch COVID-19 ở mỗi địa phương là khác nhau. Do đó, Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn về việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ trực tiếp. Cụ thể, nhà trường cần lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện. Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung "cốt lõi" trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ.

Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD&ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện. "Hà Nội và TP. HCM có thuận lợi hơn về nhiều mặt để kiểm tra online thì có thể linh hoạt, áp dụng nhiều cách thức thực hiện", ông Tài cho biết.

Bên cạnh việc đưa ra giải pháp cho trường hợp bất khả kháng, theo ông Tài, Bộ GD&ĐT cũng cho phép các địa phương điều chỉnh khung thời gian năm học 2021-2022 phù hợp với thực tế. Với những trường không đủ thời gian thực hiện chương trình, phải lùi lịch kiểm tra học kỳ, chỉ cần báo cáo, đề xuất phương án điều chỉnh phù hợp.

Xem thêm video:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn