Trên mỗi con đường giao thông người ta đều sơn, kẻ vẽ vạch quy định mốc lộ giới để phân định luồng lưu thông cho mỗi loại phương tiện giao thông, ở bên ngoài của con đường là phần đường dành cho xe thô sơ, xe gắn máy, còn luồng đường phía trong là để dành cho xe ô tô. Đáng lẽ ra, khi lưu thông trên đường các em học sinh chỉ được phép cho xe đi vào làn đường dành cho loại phương tiện của mình, đằng này bất chấp tất cả sự nguy hiểm, không ít em vẫn cố tình lấn làn, đi thành nhiều hàng ảnh hưởng đến sự an toàn không chỉ của các em mà còn cả những người cùng tham gia giao thông khác trên đường.
Đã không ít lần khi ngồi trên xe ô tô khách lưu thông từ Nam ra Bắc trên quốc lộ 1 tôi thấy quả là đáng sợ khi gặp cảnh lúc các em học sinh tan trường và túa ra đường. Tốp chỗ này đi xe máy, nhóm các em khác đi xe đạp, và chẳng cần biết lượng xe ô tô, xe gắn máy lưu thông trên con đường huyết mạch này đông đúc như thế nào, các em cứ vô tư "diễu" hành trên đường như thể ở... đường làng, nghênh ngang hàng hai, hàng ba, thậm chí còn đùa nghịch nhau khi đang đi xe. Khi các xe ô tô lưu thông tới, gặp cảnh các em học sinh lấn đường như vậy thường bóp còi inh ỏi và giảm tốc độ để tránh nguy hiểm. Thế nhưng, do mải chuyện trò, mải nô đùa nhau nên không ít nhóm học sinh dẫu nghe thấy còi nhưng cũng phải mất một lát các em mới dẹp vào để cho xe ô tô đi qua...
Tình trạng học sinh đi xe lấn đường, vi phạm luật lệ giao thông đã, đang gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn giao thông cho chính các em cũng như các phương tiện khác khi tham gia giao thông. Thiết nghĩ việc giáo dục nhắc nhở các em học sinh nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông thì ngoài cha mẹ các em phải thường xuyên nhắc nhở, nhà trường cũng nên đưa việc này vào trong các buổi chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt lớp ... và chỉ cho các em thấy được sự nguy hiểm của việc đi xe lấn đường hay vi phạm luật giao thông đều không phải là hành vi đúng ...