Sáng 29/10, tại Trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Hải Phòng đã diễn ra chuyên đề Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hình thức "Phiên tòa giả định". Qua đó, hướng tới giáo dục kiến thức về pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của nhà nước, trường học cho gần 2000 học sinh trong trường.
Tham dự phiên tòa giả định có sự tham gia của đại diện Sở Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, Thành đoàn Hải Phòng, Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng, cùng các đại biểu là đại diện Ban giám hiệu, Nhóm trưởng các trường THPT và phổ thông nhiều cấp học cùng các giáo viên bộ môn Kiến thức pháp luật của các trường THPT trên địa bàn thành phố...
Trước khi diễn ra phiên tòa giả định, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp nhấn mạnh: Việc thực nghiệm phiên tòa giả định với sự tham gia của cô và trò nhà trường nhằm đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tới học sinh.
Việc triển khai chuyên đề cấp thành phố tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua phiên tòa giả định của Trường THPT Lê Quý Đôn là hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2024 và là hoạt động cụ thể hóa mục tiêu đa dạng hình thức dạy học với bộ môn Kinh tế pháp luật.
Phiên tòa giả định được xây dựng dựa trên một vụ án có thật, với kịch bản là hai thanh niên Lê Vũ Trọng Tiến và Phạm Minh Tuấn mâu thuẫn trên mạng xã hội, dẫn đến hẹn đánh nhau tại bờ sông cầu Rào. Tiến mượn xe máy của Đặng Thanh Liêm đi đến điểm hẹn, nhưng trên đường đi va chạm với Trần Trung Kiên, gây thương tích nghiêm trọng và tử vong.
Căn cứ tính chất, hậu quả, mức độ, hành vi vi phạm cùng các chứng cứ, bút lục trong hồ sơ và lời khai tại tòa của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đặng Thanh Liêm và Lê Vũ Trọng Tiến mức án 15 tháng cải tạo không giam giữ và 30 tháng tù về tội danh "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" và "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Theo đánh giá của phần lớn học sinh tham dự, chuyên đề giúp các em cảm nhận được thông điệp, mục đích phiên tòa mang tới cho mỗi người.
Cùng với sự giúp đỡ của Viện KSND, Tòa án nhân dân quận Hải An cũng như Trung tâm trợ giúp Pháp luật và kịch bản chặt chẽ, nội dung dễ hiểu; nhân vật nhập vai chân thực... phiên tòa giả định đã tác động tới ý thức và hành động của các học sinh trong trường. Qua đó, giúp các em hiểu sâu sắc hơn về việc tuân thủ pháp luật, các quy định khi tham gia giao thông trong cuộc sống hằng ngày.
"Phiên tòa giả định rất hữu ích, đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh. Hoạt động lần này không chỉ giúp chúng em nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn là một cách truyền tải kiến thức rất hay và hiệu quả ", em Hoàng Lan, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ.
Đánh giá cách giáo dục tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua hoạt động chuyên đề này, một giáo viên cho rằng đây là một bước tiến quan trọng trong việc giáo dục, đưa pháp luật đến gần hơn với các em học sinh, trang bị cho các em những hiểu biết cần thiết để trở thành những công dân có trách nhiệm.
Ngoài phiên tòa giả định, Ban tổ chức còn lồng ghép việc phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh thông qua hoạt động giao lưu dưới dạng hỏi đáp các câu hỏi về pháp luật liên quan đến những tình huống xảy ra trong thực tiễn đời sống, giúp các em dễ tiếp thu và phòng tránh hiệu quả.
Việc tổ chức phiên tòa giả định được xem là cách làm thiết thực, mang lại hiệu quả giáo dục đối với mọi người, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên và học sinh. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong giới trẻ, góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, thượng tôn pháp luật.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Thầy và trò Trường THPT Lê Quý Đôn, Hải Phòng thực nghiệm phiên tòa giả định.