Học sinh Hải Phòng hào hứng thực nghiệm đo chu vi trái đất

23-09-2024 18:20 | Xã hội

SKĐS - Lần đầu tiên được tự tay đo chu vi trái đất, một thí nghiệm khoa học kết hợp giữa ba môn học Vật lý, Toán học và Địa lý, các em học sinh khối lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) vô cùng hào hứng.

Trưa ngày 23/9, Trường THPT Lê Quý Đôn, Hải Phòng đã tổ chức buổi thực hành đo chu vi trái đất, một thí nghiệm cổ xưa của nhà bác học Eratosthenes với số đo tương đối chính xác, chỉ sai lệch dưới 2% so với số đo thực tế và đã được nhiều nơi trên thế giới thực hiện, kiểm chứng.

Học sinh Hải Phòng hào hứng thực nghiệm đo chu vi trái đất- Ảnh 1.

Học sinh say mê nghe thầy hướng dẫn cách đo chu vi trái đất bằng dụng cụ đơn giản tự chế.

Hoạt động đo chu vi trái đất tích hợp kiến thức của ba bộ môn Vật lý, Toán học và Địa lý. Theo đó, để tiến hành thực nghiệm đo chu vi trái đất, học sinh phải chuẩn bị kiến thức và các thiết bị cho việc đo chu vi ít nhất 3 tuần. Mỗi lớp sẽ được chia thành các nhóm nhỏ để thực hành đo ngay tại sân trường.

Theo thầy giáo Nguyễn Trọng Hùng - Tổ trưởng bộ môn Vật Lý Trường THPT Lê Quý Đôn, Hải Phòng, năm nay, ngày 23/9 chính là ngày Thu phân, một trong bốn thời điểm thích hợp nhất trong năm để đo chu vi trái đất. Vào ngày này, ánh sáng chiếu từ mặt trời xuống sẽ vuông góc với đường xích đạo và cần tận dụng khoảng thời gian giữa trưa khi mặt trời đi qua đỉnh đầu sẽ tiến hành đo.

Dụng cụ để đo khá đơn giản, chỉ cần một chiếc cọc (thước kẻ, ống nhựa...) ghép nối với chân đỡ để có thể dựng đứng vuông góc, học sinh sẽ đo góc bóng mặt trời, xác định khoảng cách từ Trường THPT Lê Quý Đôn đến đường xích đạo, từ đó tính chu vi trái đất theo công thức. Tuy đây là một thí nghiệm đòi hỏi sự chính xác cao nhưng cũng không thể làm khó tinh thần học hỏi của các em học sinh.

Học sinh Hải Phòng hào hứng thực nghiệm đo chu vi trái đất- Ảnh 2.

Thầy giáo Nguyễn Trọng Hùng và Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Diệp chia sẻ về cách thức đo chu vi trái đất cũng như ý nghĩa của việc thực nghiệm này.

Học sinh Hải Phòng hào hứng thực nghiệm đo chu vi trái đất- Ảnh 3.

Học sinh khối 10 Trường THPT Lê Quý Đôn say sưa với môn thực nghiệm đo chu vi trái đất.

Học sinh Hải Phòng hào hứng thực nghiệm đo chu vi trái đất- Ảnh 4.

Gần 700 học sinh khối 10 Trường THPT Lê Quý Đôn tham gia thực nghiệm đo chu vi trái đất.

Học sinh Hải Phòng hào hứng thực nghiệm đo chu vi trái đất- Ảnh 5.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn hào hứng thực nghiệm đo chu vi trái đất.

Học sinh Hải Phòng hào hứng thực nghiệm đo chu vi trái đất- Ảnh 6.

Một trong những bản trình bày kết quả thí nghiệm của các em học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn.

Cô Nguyễn Thị Thanh Diệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Thí nghiệm này nằm trong hoạt động giáo dục STEM được xây dựng từ đầu năm học. Các thầy cô rất tâm đắc với thí nghiệm này và muốn triển khai hoạt động tới các em học sinh. Sau lần đầu tiên tổ chức thành công cách đây 7 năm, đến nay, Trường THPT Lê Quý Đôn là trường duy nhất ở Hải Phòng tiến hành hoạt động này cho học sinh và được các em rất hưởng ứng".

Theo cô Diệp, hoạt động thực nghiệm này giúp mỗi học sinh đi từ lý thuyết đến thực hành thuận lợi hơn - một đặc trưng của giáo dục STEM, thúc đẩy các em tự học, tự nghiên cứu. Qua đó, học sinh sẽ được trải qua các quá trình nghiên cứu và tự rút kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình học tập.

Việc đo chu vi trái đất ngày nay không chỉ là thành tựu khoa học mà còn mang lại nhiều ứng dụng thiết thực trong cuộc sống. Công nghệ tiên tiến đã giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về hành tinh và ứng dụng các kiến thức đó vào thực tiễn. Dưới đây là một số ứng dụng chính:

Định vị và dẫn đường: Kỹ thuật đo chu vi trái đất giúp cải thiện đáng kể hệ thống GPS, là nền tảng cho các ứng dụng định vị và dẫn đường chính xác.

Khoa học khí tượng: Hiểu biết về kích thước và hình dạng của trái đất cũng giúp dự báo thời tiết và hiện tượng khí hậu cực đoan chính xác hơn.

Quản lý thiên tai: Ứng dụng trong lập bản đồ và giám sát môi trường giúp cảnh báo sớm và quản lý hiệu quả các tình huống thiên tai như bão, lũ lụt.

Nghiên cứu khoa học: Các dữ liệu chính xác về kích thước trái đất có ảnh hưởng lớn đến nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học từ địa chất, địa vật lý đến thiên văn học.

Các công nghệ này không chỉ mở ra cánh cửa mới cho khoa học mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường.

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Hải Phòng hào hứng thực nghiệm đo chu vi trái đất 2024.


Phương Thảo - Tiến Sinh
Ý kiến của bạn