Hà Nội

Học sinh giỏi tràn lan, chưa chắc đã đáng mừng

28-05-2015 10:28 | Thời sự
google news

Tỷ lệ học sinh giỏi đang ngày càng lấn át học sinh khá, trung bình trong các trường học. Tuy nhiên, cuối năm học, có phụ huynh vẫn không vui khi biết con mình đạt danh hiệu học sinh giỏi trong khi người khác lại mừng vì con mình chỉ đạt tiên tiến nhưng đúng với sức học.

Cơ chế đánh giá, thi cử đang tạo ra con số học sinh giỏi không đúng thực chất

Cả lớp chỉ có một học sinh tiên tiến

Một phụ huynh trường THCS Trưng Vương cho biết, lớp con mình sau năm học đầu tiên bậc THCS đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi cả lớp chỉ có duy nhất một học sinh tiên tiến, số còn lại đều đạt danh hiệu học sinh giỏi! Điều này cũng không phải hiện tượng đáng ngạc nhiên vì hiện nay, tỷ lệ học sinh giỏi năm học sau thường cao hơn năm học trước trong toàn cấp học.

Trước thực tế này, đại diện Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm khá ngạc nhiên và cho rằng, chỉ có khả năng xảy ra ở lớp chọn vì trong một lớp học bình thường không thể có chuyện tất cả học sinh đều giỏi như nhau.Tuy nhiên, ở một ngôi trường khác, việc con đạt học sinh tiên tiến với nhiều phụ huynh lại là điều đáng mừng.

Sau khi theo dõi cả quá trình học tập của con mình, ông Vũ Tiến Đạt, phụ huynh học sinh trường THCS Alpha cho rằng, nếu tất cả học sinh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi thì chính là biểu hiện của bệnh thành tích và sự thiếu trung thực, đánh giá không đúng thực chất năng lực học sinh.

“Tỷ lệ 40% học sinh tiên tiến, trung bình trong một trường học là hoàn toàn hợp lý. Không thể tất cả đều khá, giỏi bởi bậc THCS theo quy định của Bộ GD-ĐT không có trường chuyên, lớp chọn. Vậy thì lấy đâu ra nhiều học sinh giỏi trong một lớp nếu không phải là có sự tác động bên ngoài vì mục đích điểm số, tích điểm để xét tuyển lớp 10 sau này” – ông Vũ Tiến Đạt phân tích.

Chấm điểm "nhẹ" tay

Cho rằng chưa có con số định lượng để khẳng định chuyện học sinh giỏi đang gia tăng không phản ánh đúng thực chất lực học nhưng ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ nhận định, hoàn toàn có thể xảy ra chuyện chấm “nhẹ tay” để học sinh của mình đạt danh hiệu học sinh giỏi bởi điểm số sẽ ảnh hưởng tới việc dự tuyển lớp 10 THPT sau này.

Vấn đề này xuất phát từ nhu cầu đối phó với việc thi tuyển khi chuyển cấp. Nếu không thể sửa điểm, không thay đổi học bạ vì Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT quản lý điểm THCS từ lớp 6 đến lớp 9 thì giáo viên vẫn có thể tác động vào việc học sinh nào đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh nào không bằng cách ra đề, chấm điểm trong các bài kiểm tra định kỳ.

“Khó tránh khỏi vấn đề này nếu còn cơ chế thi cử, xét tuyển như hiện nay, dù cơ quan quản lý có kiểm tra chặt chẽ đến đâu. Chỉ có thay đổi cách đánh giá, thi cử, thì dần dần mới có thể khắc phục tình trạng này” – ông Lê Hồng Vũ nhận xét.

Bên cạnh những tác động chủ quan vì thành tích cá nhân, TS Chu Cẩm Thơ, Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn chỉ ra những mặt hạn chế trong cách đánh giá học sinh hiện nay. “Chúng ta đang dựa hoàn toàn vào bài thi, kiểm tra. Trong khi đó, bài thi, kiểm tra ấy được thiết kế theo kiểu khi ra đề đã định sẵn được có bao nhiêu học sinh giỏi, trung bình… Điều này hoàn toàn không bám sát mục tiêu giáo dục là đánh giá học sinh vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn” – TS Chu Cẩm Thơ cho biết.

Có thể thấy, nếu bậc tiểu học đã bắt đầu khởi động việc đánh giá học sinh cả về kiến thức, năng lực, phẩm chất thì ở bậc THCS, THPT, cách đánh giá vẫn là kiểu cũ, chỉ tập trung vào kiến thức. Việc thi cử, xét tuyển cũng nghiêng về vấn đề này khiến cho số học sinh giỏi không đúng thực chất ngày càng nhiều. “Chỉ khi coi kiến thức chỉ là một phần của mục đích giáo dục bên cạnh mục tiêu rèn luyện năng lực, phẩm chất thì khi đó, tâm lý, thói quen của giáo viên, phụ huynh mới thay đổi dần. Lúc đó, mới có thể dẹp được tình trạng giỏi hàng loạt như hiện nay” – ông Lê Hồng Vũ nhận xét.

 

 


Ý kiến của bạn