Trong sáng nay, khi PV Báo Sức khỏe & Đời sống ghi nhận công tác phòng chống dịch tại một số điểm trường trên địa bàn TP. Hà Nội khi học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 quay trở lại trường học trực tiếp, bên cạnh những tâm trạng háo hức, phấn khởi được tới trường gặp cô giáo và các bạn thì không ít trẻ lớp 1 có một số biểu hiện như: rụt rè nép vào cha mẹ, không chịu nói, không chịu giao tiếp, cáu gắt, thậm chí có trẻ còn khóc lóc hoặc đòi về nhà...
Vậy, để ổn định tâm lý cho các con, nhất là học sinh khối 1 trong tuần đầu tiên khi quay trở lại trường học, nhà trường và gia đình cần quan tâm đến vấn đề gì và có các giải pháp ra sao?
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống về vấn đề này, chuyên gia tâm lý, ThS. Trần Đăng Hưng - người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tham vấn tâm lý cho trẻ em và các bậc phụ huynh cho biết, học sinh lớp 1 tuy đã gần kết thúc năm học nhưng thậm chí còn chưa có khái niệm về việc đi học tập trung ở trường sẽ như thế nào. Thậm chí sau khi trải qua một quá trình nghỉ dịch dài, các con chưa thể thích nghi ngay với thời gian biểu thức dậy sớm để chuẩn bị đến trường.
Do đó, về phía cha mẹ cần chuẩn bị tâm thế tốt nhất để các con sẵn sàng hơn: trao đổi với các con về việc đi học ở trường sẽ có những thay đổi như thế nào, luyện cho con thức dậy sớm hơn mọi ngày theo giờ đi học buổi sáng. Quan trọng nhất là cha mẹ cần kiên nhẫn lắng nghe tâm tư của các con để giải thích, xoa dịu những điều các con còn băn khoăn nếu có hoặc khuyến khích, động viên khi con trẻ thể hiện sự hào hứng, vui thích khi chuẩn bị đến trường học.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần phối hợp với giáo viên để ổn định tâm lý cho trẻ, kể cả trong tình huống tiếp tục xuất hiện nhiều ca nhiễm tại trường học.
Về phía nhà trường và giáo viên, bên cạnh khía cạnh chuyên môn thì cần phối hợp trao đổi với gia đình học sinh để nắm bắt tình hình cụ thể của từng học sinh. Từ đó chuẩn bị những phương án ứng phó với các tình huống không mong muốn, giúp các con tận dụng thời gian còn lại của năm học để nhanh chóng thích nghi với môi trường học đường trước khi các con lại bước vào kỳ nghỉ vào mùa hè.
Song song với đó, nhà trường cũng nên thiết kế và dán các quy trình an toàn, các thông điệp hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe phù hợp cho lứa tuổi tiểu học trong không gian nhà trường và các phòng học.
Trong kế hoạch tổng thể của ngành giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19, đảm bảo tổ chức dạy học an toàn, chất lượng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh về ý nghĩa, vai trò của tư vấn tâm lý học đường trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài.
Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của cha mẹ học sinh trong việc giám sát, đồng hành tư vấn và hỗ trợ học sinh khắc phục khó khăn trong học tập.
Triển khai các hoạt động hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên giúp các em sẵn sàng tâm lý cho việc chuyển đổi giữa các hình thức học trực tiếp, trực tuyến, trên truyền hình hoặc kết hợp; quan tâm tới từng đối tượng học sinh, sinh viên để phòng tránh khủng hoảng tâm lý do tác động của dịch COVID-19, nhất là các đối tượng học sinh, sinh viên khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn và chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19.