Học sinh đánh nhau - Nên hay không cho phép trẻ tự vệ?

BS. Trần Văn Phúc

BS. Trần Văn Phúc

31-05-2022 07:10 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Thời chúng tôi đánh đấm hăng say, những cuộc chiến tay đôi giúp chúng tôi có nhiều kĩ năng tự vệ, chẳng đứa nào mảy may lo lắng về những trận đánh.

Một ngày nọ, hai đứa trẻ A và B cùng đi học.

Trước khi đi, bố mẹ đứa trẻ A dặn con: "Ở trường học rất hay xảy ra đánh nhau, con đừng sợ, nếu có bạn nào đánh con, thì con hãy tự tin đánh lại. Có chuyện gì rắc rối bố mẹ sẽ lo cho con. Nếu con bị đánh đau, bố mẹ sẽ lo tiền thuốc thang, sẽ chăm sóc con. Không dám đánh lại bạn thì con trở thành kẻ hèn nhát."

Bố mẹ đứa trẻ B dặn con: "Hãy tập trung học hành chăm chỉ, không được đánh nhau, bạn nào đánh con thì đừng đánh lại, mà chỉ được báo cô giáo rồi về nói để bố mẹ giải quyết. Con đánh lại bạn, bố mẹ sẽ phải mất tiền thuốc thang cho bạn, khi đó con cũng trở thành kẻ xấu có thể bị kỉ luật hoặc đuổi học."

Bằng cách này, đứa trẻ A không phải gánh chịu bạo lực học đường, khi bị bắt nạt trẻ dám chống lại. Trong tình huống này, bố mẹ đã dạy cho trẻ A biết rằng, nếu bị tấn công sẽ đánh đánh lại, không bao giờ cho phép trẻ khác đánh mình.

Ngược lại, trẻ B chỉ biết âm thầm chịu đựng khi bị đánh, dần trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, trẻ không được dạy đánh trả nên chẳng học được gì khi bị đánh. Một đứa trẻ như thế chỉ biết ngoan ngoãn phục tùng. Trẻ chỉ đánh trẻ khác khi đứa bị đánh không dám chống lại. Và khi đã đánh được một lần, thì sẽ có những lần tiếp theo, đó là lí do thực tế có trẻ bị đánh triền miên cho đến lúc tốt nghiệp. 

Những trận đánh nhau thời học sinh của tôi

Tuổi thơ của tôi từ cấp 1 đến cấp 3, đánh nhau không biết bao nhiêu trận, các bạn đánh tôi thì tôi sẵn sàng chống trả tương xứng, không đứa nào dám đánh tôi đến lần thứ hai.

Nhiều lúc tôi nghĩ rằng, nếu trên thế giới này, bố mẹ nào cũng dạy con không hèn nhát, dám đánh trả khi bị bắt nạt, thì tôi tin chắc bạo lực học đường sẽ gần như vắng bóng.

Tại sao trẻ em hay đánh nhau?

Chúng ta đều biết rằng trẻ dưới 14 tuổi không có sự hiểu biết về pháp luật, không có kiến thức vì không thích học nên không phân biệt được đúng sai, không có đức hạnh vì cha mẹ không dạy, không có sự kiên nhẫn bởi đây là điều khó rèn luyện nhất. Thứ mà trẻ có chỉ là sức lực. Ở lứa tuổi này trẻ rất hung dữ khi cha mẹ không quan tâm. Trẻ có tâm lí so sánh, thấy thành tích học tập của bạn tốt hơn, bạn nhận được sự tôn trọng nhiều hơn, trong khi mình chỉ có nắm đấm là giỏi nhất. Và trẻ sẽ dùng nắm đấm ấy đánh bạn để thể hiện sức mạnh. Một lần, hai lần, ba lần… Đấm bạn nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn, tức là chưa nhận được sự tôn trọng, thì trẻ sẽ tiếp tục đấm.

Từ 16 tuổi trở lên, hầu hết trẻ cư xử tốt hơn, nhiều đứa ngừng đánh người.

Theo tôi, cha mẹ nên dạy con kĩ năng xử lí tình huống khi bị đánh, tôi gọi là quy tắc ba lần tự vệ. Lần đầu, bị bắt nạt, hãy cảnh báo nghiêm khắc kẻ bắt nạt và yêu cầu dừng lại. Lần hai, hét thẳng vào mặt kẻ bắt nạt, để những người xung quanh bết, đặc biệt là người lớn như thầy cô giáo có biện pháp can thiệp. Lần ba, hãy làm những gì cần phải làm để ngăn chặn hành vi bắt nạt, ngay lập tức trả đũa với cùng mức độ. Cùng mức độ, ví dụ bị đấm vào bụng thì cũng đáp trả bằng một cú đấm vào bụng. Nhưng phải dạy con, khi đánh nhau không bao giờ được phép dùng vũ khí, đặc biệt là vũ khí bằng sắt. Nếu chỉ dùng cú đấm hay đá, sẽ không thể giết người, cùng lắm chỉ thương tích ở mức bầm dập chấn thương. 

Hãy cho phép trẻ tự vệ.

Dùng bạo lực để giải quyết bạo lực không phải là một giải pháp tối ưu, nhưng nếu đứa trẻ bị đánh, thì trẻ có quyền đánh trả tương xứng nếu không tìm được giải pháp tốt hơn. Hầu hết các bà mẹ dạy con không dùng những cú đấm ngay cả khi bị đánh. Theo tôi đó không phải là cách dạy con tốt. Hãy dạy trẻ quyền được tự vệ. Là người lớn, nếu chúng ta bị ai đó tấn công thì yếu ớt đến đâu cũng phải đáp trả, tại sao lại bắt trẻ phải đứng chịu bị đấm mà không được đấm lại. Sự can thiệp của giáo viên bằng cách kỉ luật, của phụ huynh bằng cách dọa dẫm, tôi quan sát hầu hết tác dụng ngược, nhiều trẻ chỉ vì sự can thiệp ấy trở thành bao cát ăn đấm. Trẻ bắt nạt chỉ dừng lại, khi đứa bị bắt nạt biết tự đứng lên, thường chỉ cần đấm lại một lần mọi chuyện sẽ chấm dứt.

Khi con trai tôi bị một bạn đánh, tôi đến làm việc với nhà trường và trao đổi với phụ huynh, rắc rối trở nên nghiêm trọng hơn sau đó. Phía nhà trường ngày nào cũng yêu cầu bạn đánh viết tường trình không tấn công con tôi, đồng thời con tôi cũng tường trình không bị đánh, nhưng thực chất đứa bạn đã rủ thêm một bạn nữa đánh con trai tôi liên tục. Tôi phải chuyển trường cho con, thì lại bị bạn khác đánh, mà con tôi thì không dám chống trả.

Ngay lập tức tôi cho con đi học võ MMA, Muay Thái, Kickboxing.

Tôi cho phép con đáp trả bạn tương xứng, kết quả hội bạn kéo thêm mấy đứa đánh con tôi nhưng không nổi, lại bị đau nên từ đó chúng dừng lại không đánh nữa, gọi con trai tôi là đại ca, phân xử không cho phép bạn nào hung hăng đánh nhau. 

Tôi biết đánh nhau là vi phạm nội quy nhà trường, nhưng nếu muốn nó dừng lại, thì cần phải khuyến khích con mình tự đứng lên, thay vì trông chờ nhà trường và sự giáo dục từ phía phụ huynh. 

Tôi cũng biết đánh nhau là xấu xí. Nhưng cuộc sống sau này, sẽ gặp rất nhiều những tình huống xấu xí hơn như thế, nên đứa trẻ cần phải học cách tự vệ, chứ đừng ngồi im chịu trận. 

Xã hội nào cũng vậy thôi châu Á, châu Âu, Châu Mỹ thì ở đâu học sinh cũng đánh nhau. Bạo lực học đường cần phải ngăn chặn. Nhưng tôi cho rằng cha mẹ đến trường làm ầm ĩ, phụ huynh đe dọa nhau, nhất là phong trào livestream lên mạng xã hội để dằn mặt, theo tôi đó không phải là cách giải quyết hiệu quả, thậm chí là thiếu văn minh, càng làm cho trẻ con trở nên hư hỏng.

Cơn sốt thuốc Tylenol và một lời cảnh tỉnhCơn sốt thuốc Tylenol và một lời cảnh tỉnh

SKĐS - "Ngày xấu, em khó chịu quá, cảm thấy người ngây ngấy sốt. May mắn trong nhà có dự trữ sẵn thuốc Tylenol của Mỹ , em vừa làm hai viên đề phòng mắc COVID, nhiễm siêu biến thể Omicron, nhưng chưa đỡ. Sốt ruột, em định chiều tối làm thêm hai viên nữa cho nhanh khoẻ."


Bác sĩ Trần Văn Phúc
Ý kiến của bạn