Ngày 15/11, Trường THPT Marie Curie (Quận 3, TPHCM) đã diễn ra chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học".
Chương trình này xuất phát từ thực trạng giới trẻ, đặc biệt là học sinh gặp các vấn đề về tâm lý như overthinking (chỉ tình trạng suy nghĩ quá nhiều hay quá mức cần thiết), áp lực trong học tập, bạo lực học đường, bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội, xâm hại tình dục,… khiến ngày càng nhiều học sinh có dấu hiệu trầm cảm, mất phương hướng, bi quan.
Theo đó, năm học 2023 – 2024, các chuyên gia tâm lý sẽ đến 20 trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề. Trong đó sẽ tổ chức các chuyên đề như: Ứng xử văn minh trên mạng xã hội; Cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường; Kỹ năng phòng chống xâm hại; Giảm stress trong học tập; Chọn ngành chọn nghề…
Các chuyên gia mong rằng, sau khi được hỗ trợ sức khỏe tâm lý, các em học sinh sẽ có thêm kỹ năng để vượt qua tâm lý, tự tin giải quyết các vấn đề của mình. Đồng thời tập trung học tập một cách tốt nhất, để tự tin bước vào ngưỡng cửa đại học và sau này ra đời trở thành công dân có ích.
Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định: "Đây là một chương trình rất mới và rất cần thiết vì hiện nay vấn đề trẻ em, học đường đang được xã hội rất quan tâm. Vậy nên cần tăng cường truyền thông để định hình tâm lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em học đường".
Cũng theo ông Thắng, ông mong muốn bên cạnh chăm lo tâm lý học đường cũng cần quan tâm hơn chuyên sâu đến tâm lý trẻ em yếu thế, khuyết tật.
Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, trường học phải phòng chống bạo lực học đường, chú trọng các vấn đề về xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích...
Chia sẻ tại buổi lễ ra mắt chương trình, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh - Phó hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8, TPHCM) chia sẻ, thực tế, ở độ tuổi này, các em học sinh sẽ có nhiều câu hỏi tại sao với những lý do như: Tại sao mình nhắn tin mà bạn không trả lời? Tại sao ba mẹ mắng mình? Tại sao mình bị điểm thấp?...
Do vậy, theo cô Hồng Anh, khi gặp khó khăn, các em không tìm người hỗ trợ, chia sẻ vì sợ thông tin của mình sẽ có nhiều người biết đến, nỗi lòng của mình sẽ không được đồng cảm. Các em có xu hướng tự mình giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực hay các vấn đề trầm trọng hơn.
"Để công tác tư vấn tâm lý học đường đến gần hơn với học sinh, sự phối hợp giữa BGH nhà trường với các thầy cô tư vấn tâm lý rất cần thiết. Nếu để các thầy cô làm công tác tư vấn tâm lý học đường tự thân vận động mà không có sự hỗ trợ là rất khó. Cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng và sự vào cuộc, đồng hành của nhiều cơ quan liên quan, tăng cường chính sách hỗ trợ cho chính sách tư vấn tâm lý thì việc tư vấn tâm lý học đường mới thực sự hiệu quả", Phó hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt chia sẻ.