Học phí theo thu nhập bình quân đầu người: Liệu có phù hợp với mọi gia đình?

31-03-2025 16:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Đề xuất giới hạn học phí đại học công lập tối đa 50% thu nhập bình quân đầu người đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Phụ huynh lo ngại học phí tăng cao, vượt khả năng chi trả, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của con em.

Đề xuất tính học phí đại học công lập theo thu nhập bình quân đầu người

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tọa đàm tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục Đại học 2018 (Luật số 34). Tại buổi tọa đàm, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến các trường đại học 20 nội dung được đề xuất sửa đổi. Trong đó, nội dung được đề xuất là cơ sở giáo dục đại học được tự chủ xác định mức học phí, gắn với cam kết chất lượng đào tạo; đối với trường công lập, mức học phí không vượt quá 50% thu nhập bình quân đầu người.

Bộ GD&ĐT lý giải tự chủ học phí là một phần của cơ chế tự chủ đại học và cần thiết để các trường nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần có giới hạn phù hợp để tránh gánh nặng tài chính cho người học, đặc biệt ở các trường công lập. Hiện chưa có quy định mang tính nguyên tắc về mức trần học phí so với thu nhập người dân.

Nhiều ý kiến trái chiều

Ngay sau khi thông tin về đề xuất được lan tỏa, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc liệu cơ chế mới này có thực sự mang lại sự ổn định hay ngược lại, đẩy chi phí học đại học lên một tầm cao mới, xa vời với khả năng tài chính của nhiều gia đình.

Anh Cao Hải Quân, một phụ huynh có con đang học cấp THPT tại Hà Nội, không giấu được sự lo lắng: "Với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước tính khoảng 120 triệu đồng, nếu áp dụng mức trần 50%, học phí một năm có thể lên tới 60 triệu đồng. Đây là một con số quá lớn, đặc biệt đối với những gia đình có thu nhập trung bình, thấp hoặc những nhà có nhiều con đang tuổi ăn học. Tôi thực sự lo lắng không biết gia đình mình có thể gánh nổi không".

Cùng chung nỗi lo, chị Trần Thu Hằng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hai con đang tuổi đến trường bày tỏ: "Thu nhập bình quân chỉ là một con số thống kê, nó không phản ánh đúng thực tế thu nhập của phần lớn người dân. Nếu cứ dựa vào con số này để áp đặt mức trần học phí, chúng tôi lo gia đình sẽ "vượt ngưỡng" chi trả. Hơn nữa, việc học phí có thể biến động theo chỉ số thu nhập bình quân sẽ khiến gia đình tôi rất khó khăn trong việc lên kế hoạch tài chính dài hạn cho việc học của các con".

Học phí theo thu nhập bình quân đầu người: Liệu có phù hợp với mọi gia đình?- Ảnh 1.

Phụ huynh chờ con ngoài cổng trường thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Nhiều người cho rằng, việc áp dụng một mức trần học phí chung dựa trên thu nhập bình quân có thể không phù hợp với điều kiện kinh tế khác nhau giữa các vùng miền và hoàn cảnh riêng của từng gia đình. "Liệu các trường đại học sẽ đồng loạt áp dụng mức trần 50% hay sẽ có sự phân loại học phí khác nhau dựa trên chất lượng đào tạo và ngành nghề đào tạo? Rồi những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách thì sẽ được hỗ trợ tài chính như thế nào? Các chính sách học bổng, tín dụng sinh viên hiện tại liệu có đủ để giúp đỡ các em hay không?", chị Nguyễn Thị Lan Anh - phụ huynh ở huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) bày tỏ sự trăn trở.

Bên cạnh những ý kiến lo lắng, một số ý kiến lại cho rằng việc gắn học phí với một chỉ số kinh tế vĩ mô như thu nhập bình quân đầu người sẽ tạo ra một khung tham chiếu rõ ràng và minh bạch hơn trong việc xác định mức học phí, giúp hạn chế tình trạng các trường tự ý tăng học phí quá cao. Ngoài ra, việc điều chỉnh học phí theo sự thay đổi của thu nhập bình quân đầu người cũng được kỳ vọng sẽ giúp các trường đại học có nguồn thu ổn định hơn để tái đầu tư vào chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ cũng cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ và cụ thể hơn để đảm bảo quyền lợi của người học. Một phụ huynh chia sẻ: "Việc đưa ra một khung học phí dựa trên thu nhập bình quân là một ý tưởng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Điều quan trọng là phải có những giải pháp đồng bộ về chính sách hỗ trợ tài chính, học bổng, tín dụng sinh viên để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau vì vấn đề học phí".

Trong bối cảnh đề xuất vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến, đông đảo phụ huynh đang dõi theo từng động thái của Bộ GD&ĐT. Họ kỳ vọng các cơ quan quản lý giáo dục sẽ lắng nghe một cách thấu đáo những ý kiến đa chiều, đánh giá kỹ lưỡng những tác động tiềm ẩn và đưa ra những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu tự chủ tài chính của các trường đại học và khả năng chi trả của người dân, hướng tới một nền giáo dục đại học công bằng và chất lượng.

Miễn học phí - Niềm vui lớn của các gia đình đang có con ở độ tuổi đi họcMiễn học phí - Niềm vui lớn của các gia đình đang có con ở độ tuổi đi học

SKĐS - Quyết định của Bộ Chính trị về việc miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập là thông tin khiến các gia đình học sinh và giáo viên, nhà trường rất phấn khởi...


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn