Học online: 'Rèn nề nếp cho con quan trọng hơn việc bắt ép'

08-11-2021 12:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Thực tế cho thấy, việc học online trong thời gian qua có rất nhiều ảnh hưởng và áp lực. Áp lực không chỉ lên học sinh, thầy cô mà ngay cả phụ huynh cũng gặp phải khi con học trực tuyến.

Chuyên gia chỉ cách giải tỏa áp lực, giúp trẻ hứng thú với học online kéo dàiChuyên gia chỉ cách giải tỏa áp lực, giúp trẻ hứng thú với học online kéo dài

SKĐS - Việc học online kéo dài, thay thế hoàn toàn việc đến trường học truyền thống đã được chứng minh là có những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của các em học sinh.

Nhiều lo lắng...

Chưa bao giờ trong lịch sử lại có những thời kỳ mà trẻ em ở nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước lại không được tới trường học tập trong một thời gian dài như vậy. Suốt nửa năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, học sinh tại một số địa phương đã áp dụng lịch trình hằng ngày như sau: Khi mỗi buổi sáng thức dậy, thay vì mặc đồng phục hân hoan tới trường thì các em phải ngồi vào bàn học. Bật máy tính hoặc điện thoại thông minh lên và điểm danh qua màn hình.

5 ngày/tuần, thầy cô và học sinh giao tiếp với nhau qua mạng internet, dường như việc học online đã trở thành hoạt động quen thuộc hằng ngày của giáo viên và học sinh.

Học online, cả phụ huynh, trẻ em và giáo viên đều cảm thấy nhiều áp lực - Ảnh 2.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, bố mẹ, giáo viên nên giảm áp lực lên trẻ.

Em Trần Vân Nhi, học sinh một trường THCS ở Hà Nội tâm sự: "Trong suốt thời gian học online vừa qua thì em thường gặp phải những trục trặc về đường truyền internet làm cho việc tiếp thu bài giảng của thầy cô bị hạn chế. Ngoài ra, việc lập kế hoạch học tập, áp lực điểm số, bài tập khó, hay bị điểm kém... cũng làm em lo lắng".

Là một phụ huynh có hai con đang học trực tuyến với hai cấp học khác nhau thì chị Nguyễn Hồng Vân (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cảm thấy lo lắng rất nhiều từ khi các con chị bắt đầu học online. Chị lo con mình không hiểu bài, lo cô giáo không sát sao được hết các con trong lớp học, lo con tự học với cái máy tính đầy rẫy "cám dỗ"… Chị thương đứa con thứ hai khi năm nay học lớp một với nhiều khó khăn, thương con còn nhỏ đã phải ngồi nhiều giờ đồng hồ trước màn hình máy tính.

Từ khi chuyển trạng thái học trực tiếp sang học trực tuyến trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, giáo viên cũng gặp nhiều thách thức. Cô Nguyễn Thị Chỉnh (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, HN) cho biết: "Bên cạnh những trải nghiệm mới, chúng tôi cũng gặp những khó khăn, ví dụ như đường truyền mạng, sự tập trung của các con, đặc biệt là các bạn từ lớp 1 đến lớp 3 chưa quen với các thiết bị công nghệ, các cô không tương tác, tiếp xúc được nhiều với các con, hoặc có nhiều sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc kết nối với phụ huynh cũng rất khó khăn trong khi lúc này rất cần thầy cô và phụ huynh phải phối hợp để hỗ trợ các con. Tôi và các đồng nghiệp đã tự trang bị những kiến thức và kỹ năng để thích ứng với tình hình mới".

Giảm áp lực tâm sinh lý cho trẻ

Để giảm bớt áp lực cho giáo viên và phụ huynh, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành - một trong hai người sáng lập ra đường dây nóng Ngày mai – một dự án giúp đỡ người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần cho biết, trong quá trình học online, cả phụ huynh, trẻ em và giáo viên đều cảm thấy áp lực rất nhiều. Bố mẹ lo rằng con không theo được chương trình, giáo viên lo rằng mình phải truyền đạt hết tất cả các kiến thức quan trọng của bài. Học sinh không chỉ căng thẳng về tâm lý mà còn về cả mặt sinh lý.

Việc các con ngồi học mấy tiếng đồng hồ trước màn hình có thể gây ra ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với các con. Và lúc này, chính bố mẹ và giáo viên nên có những biện pháp để giải phóng những căng thẳng cho các con. Cách tương tác giữa giáo viên và học có thể giúp để khắc phục vấn đề này. Thực tế, giáo viên không cần đặt áp lực phải nói hết tất cả kiến thức trong lớp học mà có thể hướng dẫn các con tìm kiếm trên Internet.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, bố mẹ, giáo viên nên giảm áp lực lên trẻ. Việc rèn nề nếp cho con quan trọng hơn việc bắt ép. Chúng ta sẽ phải chấp nhận rằng mức độ tập trung và hiểu bài ở mỗi trẻ, mỗi thời điểm sẽ khác nhau. Cha mẹ đừng nên quá kiểm soát con, việc này sẽ khiến con có xu hướng nói dối bố mẹ.

Giáo viên cũng nên giảm áp lực lên học sinh bằng cách tạo cho con nhiều cơ hội học tập ở nhiều khía cạnh, phương pháp khác, nên phụ thuộc vào tâm lý và sức khỏe của con trẻ để trẻ có thể tiếp nhận cách tốt nhất. Đôi khi áp lực từ cha mẹ, giáo viên chuyển sang con cái, học sinh cao hơn từ anh chị em, bạn bè, nên có thể thử áp dụng phương pháp để anh chị em hoặc bạn bè học cùng nhau, hướng dẫn nhau.

Về phía phụ huynh, chị Hồng Vân cũng tìm được giải pháp để giúp đỡ con mình, đó là đồng hành và truyền năng lượng tích cực cho con.

"Trong bối cảnh rất đặc biệt như hiện nay, tôi thấy mình cần có trách nhiệm hơn nữa để đồng hành cùng thầy cô và các con vượt qua lúc khó khăn này. Tôi sắp xếp và bố trí thời gian để gần gũi con nhiều hơn, trò chuyện, chia sẻ với con về những quan tâm, những khúc mắc mà con đang gặp phải. Mỗi khi con không hiểu bài, tôi hỗ trợ các con hoặc chủ động để con kết nối với cô giáo. Vấn đề điểm số của con, tôi cũng không đặt áp lực. 

Ngoài ra, tôi dành thời gian cùng con làm việc nhà, cùng nhau tập thể dục và giao tiếp với con. Cố gắng tạo cho con sự vui vẻ, tâm lý thoải mái, khen ngợi con để con có thêm động lực trong việc học. Mong rằng, các con sớm được đến trường, sớm được trở về trạng thái bình thường mới" - chị Vân chia sẻ.

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn