Hà Nội

Học nghề y nơi xa xứ

27-01-2012 08:26 | Quốc tế
google news

Họ là những người trẻ tuổi say mê y học, những y bác sĩ - những người đã và đang cống hiến không mệt mỏi cho ngành y tế Việt Nam đã quyết tâm sang học tập tại những nước có trình độ cao về y khoa để mong có ngày được trở lại phục vụ những người bệnh tại quê hương.

Họ là những người trẻ tuổi say mê y học,  những y bác sĩ -  những người đã và đang cống hiến không mệt mỏi cho ngành y tế Việt Nam đã quyết tâm sang học tập tại những nước có trình độ cao về y khoa để mong có ngày được trở lại phục vụ những người bệnh tại quê hương. Mang theo bao hoài bão, bao ước mơ, khát vọng, tuy nhiên, con đường đi đến những chân trời khoa học của họ lại không hề dễ dàng…

Ðường vinh quang không trải hoa hồng

Ở các nước phương Tây, ngành y là một ngành danh giá và rất khó xin vào học. Người ta bảo du học đã khó, du học ngành y càng khó hơn bởi người học ngoài việc phải có trình độ ngoại ngữ hơn hẳn các chuyên ngành khác, họ còn phải có bằng cử nhân về toán, các môn khoa học như sinh hoặc hóa học mới được nộp đơn thi tuyển ngành y.

Nói về những ngày đầu khi mới học ngành y, Trang, hiện đang học tại Community College, Mỹ cho biết, mặc dù chỉ học ngành y tá nhưng trước khi xin vào họ đều phải trải qua các khóa học ở trường cao đẳng cộng đồng 1-2 năm sau đó mới xin được học chương trình đào tạo 4 năm tương đương với cử nhân y khoa và vừa họac họ vừa phải thực tập. Nếu muốn trở thành bác sĩ có thể khám và điều trị cho bệnh nhân, bạn phải học từ 12-17 năm. “Thú thực, để theo ngành này đúng là một sự khổ luyện, chúng tôi phải học và đọc sách rất nhiều. Ngay cả người bản địa, từ chuyên môn y khoa cũng là cả một sự khó khăn, nói gì đến sinh viên du học…”.  Hoa, một cựu sinh viên vừa tốt nghiệp ngành y tại Trường University of Sydney, Australia cho biết, họ phải học đến… “trọc cả đầu” vì kiến thức y khoa mà trường yêu cầu rất nhiều. Có lẽ vì khó và khổ như vậy nên sinh viên Việt Nam du học ngành y rất ít, thậm chí là của… hiếm. Bởi nếu không có một tình yêu với nghề nghiệp thì nhiều người sẽ “giữa đường đứt gánh” vì không chịu được áp lực của việc học.

Ưu điểm lớn nhất của việc du học là ngoài việc được tiếp xúc với kiến thức mới, bài bản và hiện đại, các du học sinh cũng được tiếp cận với các trang thiết bị tiên tiến bậc nhất thế giới với các phòng lab, phòng thực hành đầy đủ tiện nghi. Ngoài ra, trong quá trình học, người học sẽ phải thực tập trong môi trường bệnh viện thực thụ. Áp lực học và hành rất căng thẳng.  Hải, một nam y tá người Việt đang học tại California cho biết:“Tôi đi học tại một bệnh viện từ lúc 5 giờ sáng, bởi khu nhà của tôi và bệnh viện cách nhau khá xa, làm việc đến tận chiều tối. Liên tục ngày qua ngày như vậy, về nhà lại phải vùi đầu vào sách vở nên rất mệt”. Đối với TS. Nguyễn Vũ Trung, Trường đại học Y Hà Nội: “Thời gian ở nước ngoài, chúng tôi đã phải tranh thủ học có thể nói là 20 giờ/ ngày, thậm chí thầy giáo còn phải kêu lên với tôi là hãy dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, mà tôi đâu dám nghỉ”.

Giáo sư Christian Dao, nguyên giảng viên Trường đại học Odier Paris (Pháp), có 10 năm gắn bó với sinh viên Việt Nam, là người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc nổi tiếng như PGS.TS. Đỗ Doãn Lợi, GS.TS. Nguyễn Lân Việt và nhiều thế hệ thầy thuốc trẻ khác, đã rất thấu hiểu những khó khăn của các du học sinh Việt Nam: “Rào cản ngôn ngữ là khó khăn lớn nhất. Để có ngôn ngữ giao tiếp tốt đã khó, nhưng hiểu và thông thạo ngôn ngữ chuyên ngành trong những lời truyền đạt của thầy là khó khăn lớn hơn. Hơn nữa, các bạn cần hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống nơi học để hòa nhập cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo của sinh viên”. Giáo sư nhắc đến một sinh viên, do khả năng ngoại ngữ không tốt nên trong tháng đầu tiên học ở nước ngoài đã gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt, thậm chí có biểu hiện của trầm cảm. Sau đó, ông đã phải tìm thầy giáo biết tiếng Việt tìm cách gần gũi và đưa học sinh này đi chơi, giao lưu thật nhiều và sau 3 tháng, sinh viên này đã hòa nhập cộng đồng tốt.

Nỗi niềm người xa xứ

Ai đi xa mới thấy nhớ quê hương, quả đúng là như vậy. Bất cứ người Việt nào khi xa Tổ quốc đều mang trong mình một nỗi nhớ nhà da diết, nhất là dịp Tết đến xuân về. Các du học sinh Việt Nam ăn Tết nơi xứ người cũng lắm tâm trạng khác nhau. Với Hoa, đó là “những ngày dài nhất trong năm đối với chúng tôi. Nhiều khi nhớ nhà chỉ biết điện thoại về nhà và ôm nhau khóc”. Tuy nhiên, mỗi cái Tết xa nhà cũng làm những du học sinh thêm gần nhau hơn. Không chỉ có sinh viên trong một trường mà nhiều bạn ở các trường lân cận cũng thường tụ tập thành nhóm sinh viên Việt Nam cùng nhau ăn Tết. “Ở Australia, chúng tôi không thiếu đồ ăn Việt, chúng tôi còn đầy đủ hơn nhiều bạn du học ở một số vùng nước Mỹ, nơi sinh viên người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay, như vậy thì còn gì là Tết, là sum họp nữa”, Hải cho biết.

Chị Trần Thị Mai Oanh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế chia sẻ, thời gian sang Thụy Điển làm luận văn thạc sĩ khi đứa con thứ hai mới tròn 1 tuổi nên thời gian với chị là vàng ngọc. Chị mong từng ngày để trở về quê hương: “Chỉ trong vòng 2 tháng, thầy đã giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn. Thầy bảo, chưa có nghiên cứu sinh nào có thể hoàn thành luận văn thạc sĩ trong thời gian ngắn như vậy”.

 Chị Phùng Thị Bích Thủy (người ngồi giữa) cùng các đồng nghiệp tại Ðại học Chiba (Nhật Bản).

Tình thầy trò ấm áp

Trên chặng đường tìm tới chân trời khoa học, những nghiên cứu sinh Việt Nam luôn ghi nhớ tình cảm ấm áp mà mỗi người thầy ngoại quốc dành cho mình. Giờ đây, nhiều người đã trở thành những cộng sự, những đối tác của nhau trong các dự án nghiên cứu, đào tạo y khoa. Nhưng họ vẫn mãi nhắc về nhau bằng những tình cảm trìu mến nhất.

Ông Nguyễn Hoàng Long, cán bộ Bộ Y tế xúc động kể về người thầy của mình: “Tôi luôn coi Thụy Điển là quê hương thứ hai của mình. Sự tận tình giúp đỡ của các thầy không thể nói hết bằng lời. Tôi còn nhớ ngày đầu đến Thụy Điển, máy bay hạ cánh lúc 6 giờ sáng, trời rất tối và lạnh cóng. Thầy ra tận sân bay đón tôi với một chiếc áo khoác trên tay. Thầy đưa tôi về nơi nghỉ, giúp tôi mua sắm những thứ cần thiết. Sự quan tâm tỉ mỉ của thầy làm tôi rất xúc động. Khi tôi sắp xong luận án, vào một ngày chủ nhật cuối đông, lúc đó thầy không gửi được con nhỏ mới 4 tuổi, thầy liền mang cả con tới giúp tôi hoàn thành luận án trong tiết trời giá rét, tuyết dày đến 30-40cm. Với tôi, tầm vóc của thầy rất lớn kể cả về tinh thần và khoa học”.

Chị Phùng Thị Bích Thủy, Phó trưởng Khoa Vi sinh - Bệnh viện Nhi TW bộc bạch: Người khích lệ mình say mê khoa học và vượt qua những thử thách mà tưởng như trong một thời gian ngắn mình không thể hoàn thành, đó chính là GS. Kazuo Suzuki (Đại học Chiba, Nhật Bản). Những lúc phải làm việc với cường độ 17-18 tiếng một ngày và hầu như không có ngày nghỉ, mình cảm thấy mệt mỏi, chán nản, GS. Kazuo Suzuki luôn động viên: “Đây là thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời em, hãy cố gắng với nghị lực và lòng quyết tâm cao nhất rồi em sẽ thành công”.

GS. Vinos Diwan, người có 20 năm hợp tác đào tạo các nghiên cứu sinh Việt Nam tại Học viện Karolinska, Thụy Điển cho biết: “Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi. Các bạn đã bày tỏ sự trân trọng đối với công việc của chúng tôi. Việt Nam đã trở thành một phần vô cùng quan trọng trong trái tim chúng tôi”.

Môi trường học tập ở nước ngoài đem lại cho người học không chỉ kiến thức, cách suy nghĩ, tư duy, cách tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu hiện đại, khoa học, mà còn đem đến cho người học nhiều trải nghiệm thú vị về cuộc sống và những tình cảm bạn bè quốc tế dành cho, làm cho các sinh viên, y bác sĩ của chúng ta cảm thấy yêu đất nước mình, yêu cuộc sống và muốn làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa.  

Yến Hồng


Ý kiến của bạn