Điều này là dẫn chứng cho thấy sự thay đổi trong tư duy của học sinh và phụ huynh, không coi đại học là con đường duy nhất mà thấy rằng có thể lựa chọn học nghề. Vì vậy, tỷ lệ theo trường nghề ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Thực tế những năm qua cho thấy, lượng sinh viên đại học thất nghiệp sau khi ra trường tăng theo từng năm, tình trạng thừa thầy thiếu thợ xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, chỉ có gắn giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm mới tạo nên hiệu quả bền vững. Hiện nay, nhiều trường trung cấp nghề đã được cấp phép đào tạo văn hóa, học viên ra trường có 2 bằng trung học phổ thông và trung cấp nghề.
Nhằm phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, việc xây dựng và phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo theo địa chỉ sử dụng cũng được chú trọng. Theo thống kê năm 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã hợp tác với 753 doanh nghiệp. Trong tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2018 là 113.946 người, có 12.212 học sinh, sinh viên được doanh nghiệp đặt hàng đào tạo từ khi vào học và được tuyển dụng ngay vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Doanh nghiệp phối hợp tham gia xây dựng được 302 bộ chương trình, giáo trình đào tạo, tham gia giảng dạy được 510 ngành/nghề, tiếp nhận gần 17.200 học sinh, sinh viên đến thực tập... Lực lượng lao động phía Nam cũng có nhiều chuyển biến. TP.HCM phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo lao động với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 83%. Trong đó, tập trung chú trọng đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao. Theo đó, đến 2020, TP.HCM sẽ có thêm 12 trường dạy nghề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong 3 năm qua, thành phố đã nâng dần tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo, từ 78% vào cuối năm 2017 lên hơn 81% trong năm 2018 và mục tiêu đến năm 2019 là 83%. Tính đến nay, TP.HCM có khoảng 4 triệu lao động (trong hơn 4,4 triệu người đang làm việc) đã qua đào tạo. Đặc biệt, trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn cao hơn con số thống kê.
Tuy vậy, việc đào tạo nghề và học nghề vẫn còn có những khó khăn. Việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học chưa hiệu quả. Tâm lý xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp, muốn con em vào bậc đại học nhiều hơn và chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, lợi ích của việc học nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa được đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu... Các trường nghề còn hạn chế ở nhiều yếu tố như đội ngũ giảng viên, giáo viên, thiết bị công cụ để sinh viên tiếp cận, thực hành chưa được cập nhật tương ứng với tốc độ phát triển của thị trường. Sự phát triển của các lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi đáng kể các quy trình công nghệ trong sản xuất, thậm chí đã làm mất đi vai trò của một số ngành nghề và mở ra cơ hội cho nhiều lĩnh vực mới, ngành nghề mới. Điều này dẫn đến yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của từng vị trí việc làm trong mỗi quy trình cũng khác đi. Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển, các cơ sở đào tạo phải không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, trang bị cơ sở vật chất...
Đối với các trường kỹ thuật phải thay đổi quy trình kỹ thuật sao cho phù hợp với thực tế sản xuất để dạy cho sinh viên. Trước đây, người kỹ thuật viên thường chẩn đoán tình trạng kỹ thuật của máy móc thiết bị chủ yếu dựa vào các giác quan, trong khi hiện nay, hầu hết kỹ thuật viên dùng thiết bị chẩn đoán chuyên dùng. Đối với các quy trình sản xuất cũng vậy, thời gian, nguyên liệu đầu vào, môi trường, chất xúc tác đã làm thay đổi rất lớn các quy trình sản xuất truyền thống. Do đó, cơ sở đào tạo không thể không trang bị cho người học những kiến thức đó để thay thế các quy trình không còn phù hợp.
Thực tế cho thấy, muốn đào tạo lao động chất lượng cao, cần tập trung đào tạo nguồn lao động gắn với nhu cầu xã hội, có trình độ tương thích với xã hội khi ra trường. E ngại của doanh nghiệp khi sử dụng nhân lực từ các trường nghề thường là phải tái đào tạo, cầm tay chỉ việc. Mong muốn của nhiều thanh niên nước ta sẽ được đào tạo song hành lý thuyết gắn với thực hành để có thể tự tin khi lập nghiệp. Hiện nay, xã hội đang phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0, vì vậy, sinh viên khi ra trường cũng cần phải có hiểu biết về công nghệ để ứng dụng vào hiệu quả trong công việc. Thực tế, ở các nước phát triển cũng đã đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng này. Đồng thời, đào tạo nghề cho lao động cần gắn với nhu cầu thị trường và dự báo thị trường việc làm phải được làm tốt hơn. Cần tổ chức tốt hơn việc dự báo thị trường và việc hướng nghiệp cho học sinh...