Theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, đăng kiểm viên là người có đủ trình độ, kỹ năng được cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên để thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kiểm định xe cơ giới. Đăng kiểm viên gồm 2 hạng: Đăng kiểm viên xe cơ giới và đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới là có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo Kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo đại học có các nội dung sau: Lý thuyết ô tô; Cấu tạo ô tô; Kết cấu tính toán ô tô; Bảo dưỡng kỹ thuật ô tô; Động cơ đốt trong và Điện ô tô hoặc các nội dung tương đương. Trường hợp không đầy đủ các nội dung trên, có thể được đào tạo bổ sung tại các trường đại học.
Bên cạnh trình độ chuyên môn, đăng kiểm viên cần có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ theo nội dung do Bộ GTVT quy định; có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới theo quy định của Bộ GTVT; Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao là có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo đại học phải có đầy đủ các nội dung sau: Lý thuyết ô tô; Cấu tạo ô tô; Kết cấu tính toán ô tô; Bảo dưỡng kỹ thuật ô tô; Động cơ đốt trong và Điện ô tô hoặc các nội dung tương đương. Bên cạnh đó, phải đáp ứng điều kiện là đăng kiểm viên xe cơ giới có kinh nghiệm tối thiểu 36 tháng, có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao theo quy định của Bộ GTVT.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật ô tô ĐH Bách khoa Hà Nội nếu muốn, chỉ cần học qua một lớp nghiệp vụ thì hoàn toàn có được chứng chỉ để trở thành một kiểm định viên.
Còn theo TS. Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, để đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới thì cần tốt nghiệp đại học các ngành mà trong chương trình đào tạo đại học có các nội dung liên quan đến lý thuyết ô tô, cấu tạo ô tô, kết cấu tính toán ô tô, bảo dưỡng kỹ thuật ô tô, động cơ đốt trong và điện ô tô hoặc các nội dung tương đương.
"Sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sau khi ra trường cũng có thể trở thành đăng kiểm viên. Trường hợp chưa học qua các kiến thức này, sinh viên vẫn có thể được đào tạo bổ sung tại các trường đại học trước khi thi cấp giấy chứng nhận. Điều này có nghĩa không giới hạn ngành học cụ thể nào trước khi ứng viên tham gia tập huấn nghiệp vụ để cấp chứng chỉ tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định".
Trường đại học nào đang đào tạo ngành kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật ô tô?
Hiện nhiều trường ĐH đang đào tạo ngành kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật ô tô như: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải…
Về học phí, Nghị quyết 165 của Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học công lập giữ ổn định mức thu năm học này (2022-2023) bằng với năm học 2021 -2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.
Theo Nghị định 81, học phí giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ có mức trần năm học 2021 - 2022 bằng mức trần năm học 2020 – 2021, dao động từ 9,8 - 14,3 triệu đồng/năm học (10 tháng). Với trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí sẽ tùy khối ngành đào tạo dao động từ 20,5 - 50,5 triệu đồng/năm học.