Chu Thanh Hào- Haothanh2001@yahoo.com
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Chú không thấy có gì phải ngạc nhiên cả. Mà lâu rồi, dễ có đến mười mấy năm, một gã tèng tèng như chú cũng đã nhận ra ngay vị thế của Mạc Ngôn, dù lúc ấy, ông mới chỉ xuất hiện qua hai bản dịch ở Việt Nam. Chú cũng đã có lần khẳng định trước giới truyền thông là ông rồi sẽ nhận giải Nobel. Chỉ có điều không biết người ta sẽ trao cho ông vào lúc nào mà thôi. Cũng thời gian ấy, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc có phỏng vấn chú cho báo Thanh niên. Chị hỏi chú đang đọc cuốn gì. Chú cũng đã thưa với chị ấy rằng, chú đọc rất nhiều. Ngày nào cũng đọc. Dù bận mấy cũng không bỏ đọc. Chú rất thích Mạc Ngôn. Ở thời điểm ấy, ông mới có hai cuốn dịch sang tiếng Việt đều vào loại rất hay. Cuốn Báu vật của đời còn có đôi chút cường điệu, chứ Đàn hương hình thì nhuần nhuyễn từ đầu đến cuối. “Trong biển sách hiện nay, nói thực với chị, tôi chỉ thấy có hai cuốn đó là đáng đọc thôi” (tính ở thời điểm ấy). Không còn nghi ngờ gì nữa, Mạc Ngôn là một trong những nhà văn lớn nhất của hành tinh ở chính thời điểm ấy. Trong cuộc hội thảo về tiểu thuyết, có nhà văn hào hứng nói: “Rồi chúng ta sẽ có Mạc Ngôn”. Chú không tin. Không phải vì nhà văn chúng ta kém tài, mà vì chúng ta thiếu một cái gì đó. Cái đó Mạc Ngôn có mà chúng ta lại không có. Nó nằm ngoài tầm tay của tất cả các nhà văn chúng ta.
Mạc Ngôn là một nhà văn người Trung Quốc xuất thân từ nông dân. Ông được trao giải Nobel Văn học năm 2012.
Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc tỏ ra băn khoăn: “Hiện nay ở ta, hình như đang có một hiệu ứng Mạc Ngôn. Nhiều cây bút bắt chước Mạc Ngôn, trước đây thì bắt chước G. Marquez”. Chú có nói với nữ nhà văn nổi tiếng rằng, chú không phải kẻ vọng ngoại. Và cả anh em nhà văn mình nữa, nếu họ có tiếp thu những tinh hoa của nhân loại thì cũng nên xem là điều bình thường và nên khuyến khích chứ đừng vội quy kết. Tuy thế, học được cái hay của thiên hạ cũng không dễ đâu. Chú có đọc cuốn tiểu thuyết của một nhà văn cũng chưa phải là già. Cuốn sách này nghe đồn có vấn đề. Chú đọc và thấy nó chẳng có “vấn đề” gì cả. Nó chỉ có mỗi một tí nhược điểm là... không hay. Thế thôi. Nhiều trang sa vào dung tục và đọc cứ thấy bẩn bẩn. Chú chê thì tác giả bảo: “Ông đã đọc Mạc Ngôn và G. Marquez chưa? Mạc Ngôn toàn vú vê. G. Marquez toàn cởi truồng. Bà Hồ Xuân Hương truyền tụng của ta cũng đâu có kém”. Chú thật sự kinh ngạc. Hoá ra ông bạn chú chẳng hiểu gì Mạc Ngôn và cũng không hiểu gì về các bậc tiền bối. Quả trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của G. Marquez có nhân vật là một cô bé quanh năm cởi truồng. Cô cởi truồng từ khi còn bé cho đến lúc thành một thiếu nữ xinh đẹp. Đó là một vẻ đẹp thánh thiện, trong vắt, đến nỗi chẳng ai còn để ý đến việc cô cởi truồng. Thế rồi một buổi trưa, cô đang tắm thì có tiếng động. Một ánh mắt đàn ông đang nhìn trộm cô. Thế là cô sợ quá, vội đưa tay che ngực rồi co người bay vút lên trời qua lỗ thủng ở trên nóc nhà tắm. Cái chi tiết người bay qua lỗ thủng lên trời này quả là rất phi lí, nhưng người đọc lại không thấy phi lí, thậm chí lại có cảm giác rất thật. Đấy là cái thật cao hơn cả sự thật. Khi bị nhìn trộm, vẻ đẹp của cô bé không còn trong vắt, thánh thiện nữa, nó đã bị nhuốm bẩn mất rồi. Không có chỗ nương náu thì cái đẹp ấy phải “biến” thôi. Toàn bộ những chi tiết cởi truồng kia chỉ là sự chuẩn bị cho cú bay ngoạn mục này. Ông bạn chú dường như chỉ học được mỗi phép cởi truồng và cứ tưởng cởi truồng là G. Marquez. Nhầm. Tinh hoa của Marquez chính là cái phép bay qua lỗ thủng trên mái kia cơ.
R. Marquez đã được trao Giải thưởng Nobel về Văn học. Bây giờ, cái giải thưởng danh giá ấy đã đến với Mạc Ngôn. Điều này, như chú đã nói, chẳng có gì phải ngạc nhiên cả. Cách đó trên chục năm, khi đang là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, chú đã đưa cuốn Đàn hương hình lên sóng trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tất nhiên, khi dịch cuốn tiểu thuyết đặc sắc này, nhà văn Trần Đình Hiến cũng đã lược rất nhiều chi tiết và bỏ hẳn hai chương. Hai chương rất hay, đặc tả tên đồ tể đã nâng việc xẻo thịt người lên thành nghệ thuật thưởng ngoạn ở triều đại nhà Thanh. Khi đưa lên sóng, anh chị em biên tập viên còn lược bớt đi những chi tiết ghê rợn để phù hợp với các thính giả, đặc biệt là những người vẫn quen nghe những bài viết nhàn nhạt nửa báo, nửa văn. Vậy mà vẫn có người phản ứng. Ngay trong buổi giao ban của Đài, một ông bạn đồng nghiệp còn phê phán chú rất gay gắt: “Từ xưa đến nay tôi chưa thấy có chương trình Đọc truyện đêm khuya nào lại kinh khủng thế này. Nghe xong rồi, không thể ngủ được!”. Chú đã nói vui với ông bạn đồng nghiệp rằng: “Trí thức thì phải thức chứ. Ông bạn lại muốn làm “trí ngủ” à? Tôi đọc truyện cho ông nghe mà ông lại ngủ thì còn có chuyện gì nữa mà bàn!”. Chú quan niệm, mảng văn nghệ của Đài phải là những chương trình đặc sắc. Làm sao chuyển được đến công chúng những tác phẩm sâu sắc vừa có giá trị nghệ thuật lại vừa có tính nhân văn cao. Nếu trong nước không có thì chọn của nước ngoài. Nếu đương đại không còn thì tìm cổ điển, những tinh hoa đã được chắt lọc từ bao nhiêu đời. Đó là những giá trị không bao giờ cũ. Cũng đã có thời người ta cứ trách sao trên các kênh truyền hình toàn chiếu phim nước ngoài mà không có phim ta. Chú thấy cũng không nên đặt vấn đề như thế. Trong khi phim ta không có đủ, hoặc nếu có cũng không hay thì phải chọn cái hay đưa cho công chúng thưởng thức chứ, bất kể sản phẩm đó là của nước nào. Miễn là hay. Khi đã đạt đến tiêu chí hay thì nó thuộc về văn hoá nhân loại, là tài sản chung của cả loài người. Công chúng phải được thưởng thức những gì tinh tuý nhất.
Cũng may, người lãnh đạo cao nhất Đài dạo đó là ông Vũ Văn Hiền, người rất ủng hộ quan niệm ấy của chú, nhờ vậy mà tiểu thuyết Đàn hương hình - một kiệt tác mà nhân loại hôm nay tôn vinh, cùng với Tô tem Sói, Sống mà nhớ lấy, Trên mảnh đất người đời… đã lần lượt đến được với đông đảo công chúng qua làn sóng phát thanh.
Mấy năm trước, Mạc Ngôn đã được trao Giải thưởng Nobel về Văn học. Thêm một lần nữa, người châu Á lại lên ngôi. Trong số những tác phẩm được chọn trao giải, có tiểu thuyết Đàn hương hình - một tác phẩm mà Đài Tiếng nói Việt Nam đã diễn đọc trên làn sóng hơn 1 tháng, từ 10 năm về trước. Nhân dịp này, chú rất mong nhà văn dịch giả Trần Đình Hiến cho tái bản cuốn sách, khôi phục lại những đoạn bị lược bỏ, để chúng ta được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của một kiệt tác mà nhân loại đã tôn vinh...