Nuốt phải xương gây thủng hồi tràng
Mới đây nhất là trường hợp của ông Nguyễn Trường G., sinh năm 1951, trú tại Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Bà L. - vợ ông G. kể lại rằng, trưa ngày 28/8, ông ăn cơm với cá và thịt gà. Đến tối, ông có dấu hiệu đau bụng. Ông G. từng bị đột quỵ não nên nói năng khá khó khăn. Gia đình cũng không hiểu rõ lắm tình trạng của ông, vì thế mãi tới sáng hôm sau mới đưa ông G. vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân đội (BVQĐ) 354. Tiếp nhận bệnh nhân lúc 10 giờ sáng ngày 29/8, bác sĩ (BS) Khoa Cấp cứu ban đầu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng như đau bụng dữ dội quanh vùng rốn và thượng vị đã cho chụp Xquang ổ bụng và tim phổi nhưng không phát hiện thấy bất thường. Bệnh nhân tiếp tục được chụp CT ổ bụng, khi đó mới bắt được hình ảnh cản quang của dị vật nghi là một mảnh xương gà. Bệnh nhân được chuyển Khoa Ngoại chung B3 để phẫu thuật. Ban đầu, kíp mổ do BSCKII. Tạ Duy Dũng thực hiện mổ nội soi. Sau khi đã rạch da đặt 3 trocarts vào ổ bụng thấy có ít dịch vàng đục tập trung ở hố chậu phải và Douglas, kiểm tra cách góc hồi manh tràng khoảng 1m có 1 đoạn hồi tràng (ruột non) có khoảng 15cm có nhiều giả mạc treo viêm dày nhưng không tìm thấy lỗ thủng. Kíp mổ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc do thủng hồi tràng nhưng không tìm thấy lỗ thủng nên tiến hành hội chẩn quyết định chuyển mổ mở. Sau khi phẫu thuật viên mở một đường dài 15cm dưới rốn vào ổ bụng kiểm tra dạ dày, đại tràng không thấy có tổn thương. Kiểm tra đoạn hồi tràng nghi ngờ tổn thương thấy có điểm xì hơi ngay sát bờ mạc treo và lấy ra được một đoạn xương dài 3,2cm.
BS. Nguyễn Tiến Giang cho biết dị vật đâm thủng ống tiêu hóa có thể phát hiện qua chụp CT.
BS. Nguyễn Tiến Giang - Khoa Ngoại chung B3 giải thích, đây là một ca thủng ống tiêu hóa do dị vật sắc nhọn nhưng nhỏ, mảnh xương vẫn mắc ngay tại lỗ thủng gây thủng bít. Vì thế trên phim chụp Xquang không thấy có hình ảnh liềm hơi, chỉ chụp CT mới thấy được. Người bệnh vào viện tính từ thời điểm bị hóc dị vật là khá muộn (sớm là trước 6 giờ sau khi có dấu hiệu thủng) nhưng may đây là vết thủng bít, nhỏ nên biến chứng không đến mức nghiêm trọng. Thông thường khi bị thủng ống tiêu hóa, dạ dày, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau bụng dữ dội, cơn đau đôi khi được miêu tả “như bị dao đâm”. Nếu người bệnh đến bệnh viện muộn (sau 6 giờ) sẽ có thể xảy ra các biến chứng như dịch tiêu hóa tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng nặng có thể gây sốc, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Hậu quả khi nuốt phải dị vật sắc nhọn và những mẹo dân gian...
Ống tiêu hóa đi từ miệng tới hậu môn. Nếu không may nuốt phải dị vật sắc nhọn, gần thì dị vật sẽ kẹt lại, cắm vào thành thực quản. Hậu quả có thể là loét thực quản, thủng thực quản, thậm chí lan sang các bộ phận gần đó như thủng cung động mạch chủ gây tử vong nhanh chóng hoặc làm tràn khí màng phổi, áp-xe trung thất rất nguy hiểm... Nếu dị vật trôi xuống dạ dày có thể gây thủng dạ dày, thủng ruột làm tràn dịch tiêu hóa ra ngoài ổ bụng cũng là biến chứng nặng cần phải phẫu thuật.
BSCKII. Nguyễn Văn Châu - Khoa B3 BVQĐ 354 kể rằng, ông đã gặp rất nhiều ca nuốt phải dị vật sắc nhọn phải phẫu thuật, đa phần là xương cá, xương gà, khá nhiều ca là tăm xỉa răng. Có ca bệnh nhân còn khá trẻ, nuốt phải xương gà. Oái oăm là mảnh xương đi gần hết chiều dài ống tiêu hóa, đã qua được bao nhiêu “đoạn trường, cửa ải” rồi, vậy mà đến gần hậu môn lại cắm vào thành cơ hậu môn khiến bệnh nhân đau đớn phải đến bệnh viện mới gắp được dị vật ra.
BS. Châu cho biết, những người nuốt phải xương thường hay áp dụng bài nuốt cơm, uống dấm để trôi dị vật. Thường đó là những người phát hiện xương mắc ở họng và cố gắng để xương trôi xuống. Cách làm này chỉ có hiệu quả khi đó là xương nhỏ, mềm như xương dăm cá. Những xương này khi xuống đến dạ dày sẽ bị dịch vị dạ dày làm mềm đi, thậm chí tan ra không gây hại nữa (dấm cũng có tác dụng tương tự). Nhưng nếu là xương cứng thì dịch dạ dày không thể làm thay đổi được hoặc vì một lý do nào đấy, vào thời điểm nào đấy, dịch dạ dày không thể tác động, xương cứng sắc nhọn sẽ đâm thủng dạ dày, ruột. Còn những vật sắc nhọn khác như tăm, vỏ thuốc cứng... tất nhiên cũng gây hậu quả tương tự. Ngoài ra, cách nuốt một cục cơm to để đẩy xương trôi xuống cũng có thể có tác dụng ngược lại khiến xương cắm sâu hơn vào thành thực quản, gây thủng thực quản, thủng các cơ quan liền đó và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trường hợp dễ nuốt phải dị vật sắc nhọn thường là trẻ em, người cao tuổi. Trẻ nhỏ nuốt phải dị vật có thể do người lớn không để tâm trông nom. Người già lại thường hay nuốt phải dị vật do đãng trí (ngậm tăm khi lên giường rồi ngủ quên nuốt phải tăm), do mất răng, hay dùng răng giả (cảm giác không tốt, nhai lừa thức ăn không kỹ)... Vì vậy, thầy thuốc khuyên mọi người khi ăn nên nhai kỹ, cẩn thận khi ăn các thức ăn có xương như gà, cá... Cần lọc kỹ thức ăn cho trẻ nhỏ, người già, người ốm yếu. Không nên giữ thói quen ngậm tăm vì có thể vô tình nuốt phải. Khi ăn cá, gà... nên chú ý, không nên vừa ăn vừa nói chuyện.
Khi nuốt phải dị vật, cần theo dõi, nếu có dấu hiệu đau bất thường, cần đến bệnh viện sớm để xử lý. Nếu biết rõ dị vật găm vào họng, không nên tự xử lý bằng các phương pháp truyền khẩu, có thể gây biến chứng nặng nề hơn hoặc chậm trễ thời điểm xử lý tốt nhất. Trong trường hợp vô tình nuốt phải dị vật mà không biết, khi thấy dấu hiệu đau bụng dữ dội, nên đến bệnh viện khám ngay, không nên lần lữa.