Học cao học tràn lan và... thất nghiệp

14-09-2017 10:53 | Thời sự
google news

SKĐS - Tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm, nhiều cử nhân chọn cách học lên thạc sĩ để làm đẹp hồ sơ đi xin việc. Thế nhưng dù bảo vệ luận văn xuất sắc nhưng cuối cùng nhiều thạc sĩ vẫn thất nghiệp.

Việc học cao học đã như trở thành một thứ trào lưu gây lãng phí tiền của của xã hội.

Tại sao người người học cao học lại dễ vậy? Câu trả lời sẽ là tiêu chuẩn vào cao học ngày càng thấp dần đều? Đây cũng là một điều đáng báo động về chất lượng đào tạo. Thế kỷ trước, giai đoạn năm 1975-1990, chỉ một số rất ít trường đại học được phép đào tạo thạc sĩ nhưng số lượng người muốn thi cao học đông nên đối tượng được nộp hồ sơ thi cao học lúc đó phải là giảng viên đại học có bằng đại học chính quy loại giỏi. Nếu là giáo viên cao đẳng sư phạm hoặc phổ thông trung học phải là người đang nằm trong quy hoạch lãnh đạo.

Dần dần, theo năm tháng, “trăm hoa đua nở”, các trường đại học mới thành lập đều “phấn đấu” bằng mọi giá để được phép đào tạo thạc sĩ, do đó, nguồn tuyển cao học cho các trường đại học ngày càng khan hiếm, cạn kiệt nên điều kiện để học cao học ngày càng thấp dần đều. Có trường đại học đào tạo cao học chấp nhận cả người tốt nghiệp đại học từ xa, tại chức và cả những người thất nghiệp ngoài xã hội. Có nơi còn tuyển những học viên không thi đỗ đầu vào cao học. Trước khi bảo vệ luận văn thạc sĩ mới thi lại tuyển sinh đầu vào cao học.

Thực tế cho thấy rằng, nguồn tuyển đại học và cao học như chiếc bánh và không có phép màu nào làm chiếc bánh to lên, do đó, nếu có người ăn nhiều thì người khác sẽ phải ăn ít đi. Khi số các trường đại học mới thành lập được phép chiêu sinh cao học thì nguồn tuyển cao học của các trường đại học lớn truyền thống sẽ giảm đi.

Cũng chính vì “phong trào” học cao học nở rộ như thành trào lưu nên cách đây hơn chục năm, “nồi cơm” của các trường đại học chính là đào tạo tại chức (hệ vừa học vừa làm). Nhưng đến giờ, nguồn sống chính của các trường chính là đào tạo thạc sĩ.  Để “nồi cơm” luôn đầy, để vơ vét nguồn tuyển, các trường đại học này không cho giảng viên trẻ được đi học cao học ở các trường đại học hàng đầu như Đại học Bách khoa HN, Đại học Quốc gia HN… buộc giảng viên phải học cao học tại trường theo kiểu “của nhà trồng được”. Thậm chí những sinh viên mới tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm cũng bị các trường làm công tác tiếp thị để học tiếp cao học của trường mình. Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, thay vì đi học thêm kỹ năng mềm để đi xin việc, lại đành “nhắm mắt đưa chân” học tiếp cao học, dù chưa biết tương lai học xong có xin được việc làm hay không?

Học là một chuyện, cơ hội việc làm lại là một chuyện khác. Những con số từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp vẫn cao là câu trả lời thích đáng nhất cho việc học theo phong trào mà không có định hướng nghề nghiệp cụ thể. Trong đó, nhiều người đang phải cất tấm bằng đại học, cao học đi để chuyển sang học nghề hoặc chỉ để xin được một việc làm phổ thông đã cho thấy một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian. Mỗi năm có khoảng 400.000 sinh viên đại học, trên đại học tốt nghiệp ra trường cho thấy nước ta đang phải chịu sức ép lớn từ việc giải quyết việc làm cho lao động. Thời gian qua, con số lao động trình độ đại học trở lên thất nghiệp thường xuyên ở mức trên 200 ngàn người cho thấy thị trường lao động vẫn còn những khó khăn... Tuy vậy, thời gian gần đây, tỉ lệ này có giảm cho thấy thị trường lao động và nền kinh tế đã có những khởi sắc nhất định. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn chưa phải là hết. Để có những cơ hội việc làm bền vững thì sinh viên và cử nhân cần xác định mục đích học rõ ràng, không để lãng phí thời gian và tiền bạc vô ích.

Một số ý kiến cho rằng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là do đào tạo bậc đại học chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Hệ quả của việc cho phép thành lập trường đại học một cách dễ dãi, tâm lý ưa chuộng bằng cấp và thiếu định hướng nghề nghiệp. Nhiều cử nhân, thạc sĩ được đào tạo ra không xin được việc làm, một phần đã cho thấy trình độ và kỹ năng của họ không đáp ứng được yêu cầu xã hội nên rất khó tìm việc. Nhiều trường đại học giảng dạy theo cách rất hàn lâm, phần nhiều nặng về lý thuyết nên một bộ phận lớn sinh viên (cả cao học) tốt nghiệp không xin được việc làm và nếu họ có đi làm thì cũng không có sự sáng tạo trong công việc nên phải đào tạo lại. Nguyên nhân là các cử nhân, thạc sĩ đã không rèn luyện đủ kiến thức và kỹ năng khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Vì vậy, các trường đại học cần có sự thay đổi trong cách thức giảng dạy.

Đành rằng thất nghiệp là tình trạng không mong muốn về mặt xã hội và chính sách công có thể làm giảm thất nghiệp tự nhiên, bất kể nền kinh tế có đang ổn định hay không. Nếu thất nghiệp là hệ quả của việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường thì giải pháp chính sách có lẽ phải xuất phát từ lĩnh vực này.

Mong rằng cùng với sự định hướng chung của xã hội, mỗi cá nhân cần lựa chọn cách thức học phù hợp năng lực và bám sát nhu cầu việc làm của xã hội để có những bước khởi nghiệp tốt và vững chắc trong bước đường tương lai của mình.


HỒNG LAN
Ý kiến của bạn