Học cách xả stress

03-06-2009 16:31 | Thời sự
google news

Thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân khó tính, với không gian làm việc chật chội ngày này qua ngày khác khiến nhiều nhân viên y tế cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Làm thế nào để vượt qua cảm giác này và để phục vụ người bệnh tốt hơn?

Thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân khó tính, với không gian làm việc chật chội ngày này qua ngày khác khiến nhiều nhân viên y tế cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Làm thế nào để vượt qua cảm giác này và để phục vụ người bệnh tốt hơn? Bệnh viện K đã mời chuyên gia tâm lý đến giảng dạy về kỹ năng ứng xử cho cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện.

Anh Lê Văn Sâm, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ cho biết đã tổ chức 6 lớp học. Mục tiêu của khóa học là giúp học viên thay đổi tư duy về cách làm việc và giao tiếp ứng xử với người bệnh, đặt mình trong tâm trạng của người bệnh để làm việc hiệu quả hơn, đồng thời khám phá ra khả năng của bản thân để phát triển... Với những ví dụ sinh động, gần gũi với thực tế, chuyên gia tâm lý đã giúp người học vui vẻ tiếp nhận kiến thức và dễ dàng áp dụng vào thực tế. Chẳng hạn, chỉ một lời động viên nhỏ, một lời thăm hỏi nhẹ nhàng cũng có thể giúp bệnh nhân và người nhà vui vẻ và đỡ bức xúc đi rất nhiều. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ trong việc xoay chiếc bút cho đúng chiều với người nhận cũng giúp cho phong cách làm việc của các bác sĩ chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Sau buổi học, nhiều cán bộ của bệnh viện cảm thấy hào hứng và rất muốn có nhiều buổi học về kỹ năng ứng xử, giao tiếp như thế này.

Chị Vũ Thị Phương, Điều dưỡng trưởng của Khoa khám bệnh - Bệnh viện K cho biết, tham gia lớp học giúp chị biết cách giải tỏa căng thẳng. Hơn 7 năm làm việc tại Khoa khám bệnh, chị Phương phải đối mặt với muôn vàn tình huống khó trong công việc, từ việc giữ cho bệnh nhân xếp hàng đúng thứ tự, tới việc giới thiệu khoa phòng, giải thích quy trình làm và lấy kết quả xét nghiệm... Không ít lần bệnh nhân các tỉnh đến khám, cứ chen lấn, xô đẩy đòi được khám trước. Chị giải thích quy định phải xếp hàng chờ đến lượt họ lại cho rằng như thế là không ưu tiên cho người đường xa vất vả, sau đó thì bắt đầu mắng mỏ, “nguyền rủa” nhân viên y tế ra đường sẽ bị chứng nọ, tật kia. Sau khi lấy được phiếu khám, bệnh nhân vẫn “ném” lại mấy lời khiếm nhã cho “đỡ tức”. Với một số xét nghiệm, cần từ 2-5 ngày mới cho kết quả như xét nghiệm tế bào, bệnh nhân không tin, cứ cho đây là hành động “vòi tiền” của nhân viên y tế. Những căng thẳng như vậy cứ tích lũy từ ngày này qua ngày khác khiến nhiều lúc chị thấy mệt mỏi. Cộng thêm với môi trường làm việc tại Bệnh viện K là rất đặc thù, bệnh nhân phải điều trị dài ngày, nhiều khi cầm kết quả xét nghiệm bệnh nhân nghĩ coi như cầm “án tử”, nên tâm lý này cũng ảnh hưởng tới quá trình giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh.

Qua buổi học, chị đã áp dụng được cách xả stress, từ cách chấp nhận nó đến cách tìm niềm vui trong công việc. Tranh thủ vài giây trong quá trình làm hồ sơ cho bệnh nhân, chị có thể lắc vai, nghĩ đến những niềm vui nho nhỏ, gặp bệnh nhân vui vẻ chị nghĩ về họ; gặp người khó tính, chị giải thích hết lòng và chấp nhận thái độ của họ. Hết một ngày làm việc, về nhà là chị bỏ stress của công việc ở ngoài cửa và dành trọn vẹn thời gian cho gia đình. Nhờ cách xả stress này, chị thấy công việc bớt nặng nhọc hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Như vậy, với cách làm sáng tạo, Bệnh viện K đã giúp cán bộ của bệnh viện hiểu được ngọn nguồn của vấn đề làm sao phải có thái độ tốt và cách thực hiện nó. Buổi học góp phần tạo ra môi trường làm việc thân thiện, thoải mái hơn giữa thầy thuốc với thầy thuốc, thầy thuốc với bệnh nhân.

Minh Thu


Ý kiến của bạn