Video clip nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ của Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cứu người đàn ông nước ngoài khi đi nghỉ ở Đà Nẵng khiến nhiều người thán phục. Ngoài lời khen, cảm ơn, nhiều người cho rằng việc cấp cứu ban đầu để hồi sinh tim phổi là vô cùng cần thiết.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, bác sĩ Nguyễn Minh Hiếu – Trung tâm cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết, tế bào não người không có dự trữ năng lượng và oxy. Chúng phụ thuộc hoàn toàn vào việc bơm máu của tim.
Chính vì vậy nếu tim ngừng đập, nguồn cung cấp bị cắt đứt. Tế bào não chỉ chịu đựng được trong khoảng thời gian khoảng 3-4 phút sau đó sẽ tốn thương vĩnh viễn không có khả năng hồi phục. Lúc này việc cần làm là hồi sinh tim phổi.
"Hồi sinh tim phổi (CPR - Cardio Pulmonary Resuscitation) là một chuỗi các động tác gồm ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt luân phiên. Mục đích là tạo một áp lực bên ngoài nhằm ép quả tim co bóp một cách thụ động để tống máu lên não, cung cấp oxy cho tế bào não, làm sức chịu đựng tế bào não kéo dài hơn", bác sĩ Hiếu thông tin.
Bác sĩ Hiếu cũng chỉ ra, hồi sinh tim phổi gồm hai giai đoạn là cơ bản và nâng cao. Hồi sinh tim phổi cơ bản dành cho cộng đồng và ngoài bệnh viện, còn hồi sinh tim phổi năng cao dành cho các nhân viên y tế và bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ.
Tuy vậy, các tình huống ngừng tim thường xảy ra ngoài cộng đồng, trước khi nhân viên y tế có mặt. Do đó, vai trò của hồi sinh tim phổi cơ bản và hồi sinh tim phổi nâng cao là quan trọng như nhau.
"Hồi sinh tim phổi cũng chính là cứu não. Lúc này bạn phải chạy đua với thời gian, thời gian lúc này được tính bằng giây. Nếu thiếu máu quá lâu tế bào não sẽ tổn thương vĩnh viễn, nếu có thể sống thì người bệnh cũng sẽ chỉ sống một đời sống thực vật", bác sĩ Hiếu nhấn mạnh.
Cách hồi sinh tim phổi
Theo bác sĩ Hiếu, khi nạn nhân có các dấu hiệu sau thì cần phải tiến hành ép tim, thổi ngạt: Nạn nhân nằm bất động, người tím tái; Có dấu hiệu ngừng thở; Không nghe được tiếng tim của nạn nhân cùng với động mạch cảnh hay động mạch cánh tay nạn nhân không đập.
Tuy nhiên, việc sơ cứu sai cách không chỉ khiến việc sơ cứu không hiệu quả mà còn có nguy cơ khiến nạn nhân gặp rủi ro. Có trường hợp ép tim gãy xương sườn do người sơ cứu đã dồn sức vào sai vị trí sai. Chính vì vậy khi hồi sinh tim phổi cũng cần phải đúng kỹ thuật.
"Đầu tiên cần gọi cấp cứu và đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, để nạn nhân nằm ngửa. Khi ép tim cần lưu ý về vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép.
Tần số sẽ là 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Vị trí ép đúng là ½ dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt.
Đối với trẻ nhũ nhi, khi ép tim sẽ sử dụng 2 ngón tay cái để ép. Nếu có 2 người thì 15 lần ép tim và 2 lần hỗ trợ hô hấp. Nếu có 1 người thì 30 lần ép tim và 1 lần hỗ trợ hô hấp", bác sĩ Hiếu hướng dẫn.
Bác sĩ Hiếu cũng lưu ý thêm, khi sơ cấp cứu cần chú ý kiểm soát đường thở của người bệnh. Cụ thể là cần tìm hiểu xem người bệnh có bị mắc dị vật, răng giả hay đờm dãi… hay không. Nếu có, cần làm thông thoáng đường thở cho người bệnh.
Ngoài ra, song song với việc sơ cấp cứu cũng cần gọi cấp cứu 115 bằng cách hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có 1 mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân.
Video: Các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, hồi sinh tim phổi cho sản phụ ngưng tim:
Các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, hồi sinh tim phổi cho sản phụ ngưng tim. Video: Bệnh viện Bạch Mai.