Học bơi căn bản nhất là để không bị... chìm, trong mọi tình huống
Cho trẻ học bơi là vô cùng cần thiết. Ngoài yếu tố vui chơi, thoải mái tâm lý thì bơi mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ em: Phát triển thể chất một cách hài hòa, tăng chiều cao và kỹ năng vận động; giúp trẻ rèn luyện sự tự tin; đặc biệt là rèn luyện khả năng tự bảo vệ an toàn bản thân trước nguy hiểm khi phải xuống nước.
Bởi vậy, các bậc cha mẹ và trẻ em trong cộng đồng giờ đây rất tích cực tìm hiểu về lợi ích của việc học bơi. Học bơi, trước hết là học kỹ thuật các kiểu bơi phổ thông để biết cách phối hợp nhịp nhàng động tác của chân, tay với việc hít thở và tạo ra tư thế thân người di chuyển thuận lợi, hiệu quả nhất trong môi trường nước.
Tuy nhiên, học bơi không đơn thuần để biết bơi mà còn phải luyện các kỹ năng về phòng ngừa chống đuối nước.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do đuối nước bởi tính hiếu động, tò mò, thích khám phá. Việc dạy cho các em thực hiện đúng kỹ thuật, động tác khi học bơi sẽ giúp phát huy tốt nhất các tố chất thể lực của bản thân để bơi được nhanh, bơi được xa, bơi được bền và thực hành được các kỹ năng an toàn cũng như có khả năng linh hoạt, sáng tạo.
Khi các em đã học được kỹ thuật và động tác chuẩn thì cần học thêm các kiểu bơi khác nhau để có thể vận dụng linh hoạt phù hợp với mọi địa hình như sông, suối, ao hồ, hố nước sâu,… miễn sao giúp các em giữ được tư thế thân người nổi được trong nước, di chuyển được trong nước và giữ được hơi thở, không bị mất sức ở mức thấp nhất để không bị chìm, tự cứu được mình hoặc chờ người đến cứu hộ.
Không phải ai cũng có thể học bơi
Nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, không phải trẻ em nào cũng có thể học bơi. Ví dụ như: những em nhỏ mắc bệnh hen phế quản, bệnh đường hô hấp mãn tính, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm dị ứng,… không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi.
Chính vì vậy, nhiều khi không phải cứ biết bơi đã là đủ, là sẽ không bị đuối nước. Nhiều trường hợp đuối nước do bị chuột rút, bị say nắng, bị cảm khi xuống nước. Do vậy, ngoài việc dạy trẻ biết bơi thì cần thiết phải dạy các kỹ năng tự cứu, xử lý tình huống. Khi trẻ học bơi thì có thầy dạy bơi, có người lớn giám sát. Vấn đề quan trọng là giúp trẻ biết tự bảo vệ khi tiếp xúc với nước ở những khu vực ngoài bể bơi.
Theo như một giáo viên dạy bơi tại Trung tâm thể thao quận Ba Đình, giải pháp quan trọng hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ là trang bị kỹ năng bơi cho trẻ. Việc đưa quy trình dạy bơi, học bơi cho trẻ em vào trường phổ thông là rất cần thiết.
Việc hướng dẫn trẻ các kỹ năng bảo đảm an toàn, xử lý tình huống khi bơi như vận động trước khi xuống nước, an toàn trên mặt nước khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy hay cách sơ cứu người khi bị sặc nước, hướng dẫn các kỹ năng cứu đuối phù hợp lứa tuổi là những cách để các em tự bảo vệ mình.
Ngoài ra, khi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển, rất dễ bị cuốn ra xa mà không biết.
Nếu bị sóng đánh úp, những cơn sóng dồn dập rất dễ khiến bạn hoảng loạn và không biết xử lý như thế nào, dễ bị uống nhiều nước, dẫn đến mất sức và bị đuối nước.
Hiện trẻ em bị đuối nước dẫn đến tử vong tại Việt Nam cao gấp nhiều lần các nước đang phát triển và chỉ đứng sau số ca tử vong do tai nạn giao thông.
Có nhiều trường hợp, trẻ không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối lại nhảy xuống nước cứu bạn, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Do đó, có thể thấy rằng, bơi giỏi chưa đủ, mà quan trọng là phải biết các kỹ năng phòng ngừa đuối nước, bảo đảm an toàn cho bản thân và người được cứu.
Trong trường hợp chưa biết bơi, các em được học kỹ năng nổi, kỹ năng sinh tồn sẽ phần nào giúp các em biết phòng, tránh đuối nước.
Vì vậy cùng với học bơi, hãy học kĩ năng phòng chống đuối nước. Biết cách xử lý tình huống khi bơi như: Cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi...