Khán giả vẫn gặp Vân Dung hàng ngày, trên truyền hình, trong nội dung quảng cáo. Mới đây, người xem còn có dịp gặp trực tiếp chị trong chương trình đi bộ, với chủ đề vì sự phát triển thế hệ tương lai. Ai cũng không ngờ, đó là một Vân Dung tươi tắn, xinh đẹp bước nhanh nhẹn bên cậu con trai. Thì ra có một Vân Dung khác, duyên dáng, dịu dàng chứ không còn bóng dáng đi tong tả và trôi bồng bềnh trên sân khấu...
“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”
Khi chào đời ở Viện 108 (11/10/1975), ai cũng công nhận Vân Dung giống mẹ, xinh đẹp cùng dáng nét thanh mảnh của một nghệ sĩ múa. Bố Vân Dung còn là một biên đạo, cũng thường múa chỉ dẫn cho các vũ công. Cả hai cùng đẹp dáng, đẹp người, hai chị em Vân Dung đều được thừa hưởng cái “gene” nghệ sĩ ấy. Hơn nữa từ nhỏ Vân Dung thường đi theo, ngấp nghé sau cánh gà, xem bố mẹ biểu diễn khắp nơi. Như một bản năng có sẵn, Vân Dung thường bày trò cùng chị gái đóng kịch và ca múa, mỗi khi bị nhốt trong nhà. Đến 10 tuổi khi cả nhà đã về Hà Nội sinh sống, Vân Dung còn hay được mẹ đưa đi theo, khi làm thêm việc trang điểm cô dâu để kiếm tiền. Chính công việc này đã làm Vân Dung luôn mơ tới hình ảnh đẹp của cô tiên, nên mỗi khi diễn kịch với chị, bao giờ cũng lanh chanh đòi đóng vai cô tiên có phép thần. Ăn mặc đẹp với những chiếc mũ hoa lộng lẫy và đi như bay trên sàn nhà vậy. Đó chính là mầm tài năng nghệ thuật đã hình thành trong cô bé Vân Dung nghịch ngợm và có phần đanh đá.
Nghệ sĩ Vân Dung trong các vai Táo (Gặp nhau cuối năm).
Những ký ức một thời đói nghèo của gia đình cũng đã hun đúc một tính cách mạnh mẽ và quyết đoán của Vân Dung. Năng động và chịu khó từ bé, Vân Dung thường đi theo các anh chị lớn đi mót khoai, mót sắn, hồi gia đình còn ở trên miền rừng núi. Bố mẹ cùng là diễn viên múa, ở Đoàn Văn công Việt Bắc thời bao cấp lương bổng chế độ không được bao nhiêu, nên dù là một củ sắn hay củ khoai cũng là niềm an ủi không nhỏ. Đúng như lời Bác Hồ dạy, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Nhưng có khi Vân Dung còn làm những việc quá sức mình khi gia đình, bố mẹ chuyển công tác về nơi ở mới ở Hà Nội. Mười tuổi đã phải đi gánh nước ăn cho gia đình. Ngày nào cũng như ngày nào, tong tả với đôi thùng nước trên vai, Vân Dung không nề hà khổ ải. Thậm chí có ngày phải gánh tới 20 lượt mới đầy “phuy” nước. Gắng thế mà không thấy nhọc nhằn, đôi mắt sáng ngời, bé Vân Dung lúc nào cũng nhoẻn cười chào mọi người. Ai nhìn thấy cũng yêu quý cô bé chịu thương, chịu khó ngày ấy.
Niềm vui hồn nhiên ấy như đôi cánh bay từ những điệu múa của mẹ. Chúng luôn luôn ám ảnh và trở nên mầm sống tươi sáng của tuổi thơ Vân Dung. Những mạch ngầm nghệ thuật thấm dần vào tâm hồn và tạo nên một nhịp điệu trẻ trung sôi nổi trong đường nét sân khấu, đầy ngẫu hứng của Vân Dung về sau. Có lẽ thế. Trở về với tuổi thơ của cô nàng có dáng vóc “đào thế” này mới hay, tính cách mạnh mẽ và quyết tâm theo đuổi giấc mơ “cô tiên”, để cứu phận nghèo của mình ra sao.
Hai mươi năm cười mệt nghỉ
Tôi đoán chắc rằng, bất cứ ai cũng phải cười chảy nước mắt, mỗi khi xem Vân Dung diễn kịch. Cười ngả nghiêng, đến tức cả bụng, vì những chi tiết bất ngờ của cô nàng đốc chứng, lên đồng trên sân khấu. Bất ngờ từ mỗi hành động, mỗi lời nói cao hết cỡ của Vân Dung. Mỗi đêm thăng hoa một kiểu. Những bước đi bồng bềnh, xiên nghiêng và đảo chiều mỗi lần cần chuyển động đã làm người ta cười đến nẻ ruột là vì thế. Có những đêm của kịch mục Đời cười, thường nếu thiếu Vân Dung, bao giờ cũng như bữa ăn thiếu chua, thiếu cay vậy. Nói thế có quá không!? Đó chính là một câu chuyện dài cho sự lý giải về hiện tượng Vân Dung của một thập kỷ sân khấu.
Cặp danh hài Vân Dung - Quang Thắng.
Dường như Vân Dung là một học sinh không có gì nổi bật, trong niên khóa (1990-1994) của Nhà hát Tuổi trẻ. Chính cô cũng tự nhận mình luôn bị hạnh kiểm trung bình vì hay đi muộn về sớm, hoặc chưa có vai nào đáng kể được đạo diễn chú ý tới. Từ ngày tốt nghiệp rồi trở thành diễn viên kịch chỉ toàn đóng vai phụ. Nhiều lúc nghĩ mà nản, đồng thời sân khấu đúng vào thời điểm đó cũng gặp những khó khăn, Vân Dung đã không ít lần phân vân chuyện đi hay ở. Nhưng có lẽ nẻo đường đến với Đời cười như một sự cứu cánh kỳ lạ. Đó có thể coi là công cuộc đổi mới, một ứng xử thông minh trước sự cay nghiệt của thị trường sân khấu. Khi ấy, từ Lê Khanh, Lan Hương đến Anh Tú, Chí Trung, Đức Khuê, Tú Oanh, Ngọc Huyền, Vân Dung... đều dấn thân với hài kịch. Nổi bật bắt đầu từ kịch mục Bệnh nói nhiều trở thành ngôn ngữ của đời sống nghệ thuật sân khấu hoạt kê, nở rộ nhiều năm.
Trong dàn diễn viên trẻ, Vân Dung bất ngờ như một ánh sáng lạ, làm lay động sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Cái duyên hài như được chắp cánh mỗi khi Vân Dung xuất hiện trên sân khấu. Phải nói từ năm 1998, khán giả bắt đầu nhớ đến cô diễn viên mình hạc, với giọng nói lóe xóe, diễn như lên đồng này. Không phải ai cũng có duyên hài, hồn nhiên đến như vậy. Đó là nét duyên trời cho Vân Dung có màu dị biệt trên sân khấu. Dáng vóc gầy nhom, nhưng chị đã tìm cho mình một cách diễn phù hợp, cùng với ngữ điệu của giọng nói, gây yếu tố hoạt kê bất ngờ.
Riêng êkip diễn hài cực kỳ lý tưởng với Vân Dung chính là nhóm nghệ sĩ, gồm Quang Thắng, Tự Long, Xuân Bắc, Công Lý và Quốc Khánh. Đã 13 năm làm chương trình Táo trong những đêm Gặp nhau cuối năm, họ là những biểu tượng sống động nhất về sự hấp dẫn của nghệ thuật kịch hài trên sân khấu Việt Nam. Trước đó, nhóm còn làm chương trình Gặp nhau cuối tuần trong một thời gian dài, đã để lại ấn tượng độc đáo trong lòng khán giả. Khi người ta bắt đầu nghi ngờ đến hiệu quả của tiếng cười trên sân khấu, thì khán giả lại thêm một lần bất ngờ trước hài kịch Táo của Gặp gỡ cuối năm - 2016. Trong đó Vân Dung với vai Táo Xã hội đã làm dậy sóng hoạt kê, náo nức, cười đến nghẹt thở. Trước kia, khi đóng vai Táo Y tế, Táo Giáo dục, hoặc lại có năm đóng Táo Báo chí, hoặc Táo Xã hội... bao giờ Vân Dung cũng tìm ra được cái màu riêng nổi bật trong dàn diễn viên gạo cội.
Vân Dung là một hiện tượng đặc sắc trên sân khấu hài. Khán giả coi chị là thần tượng, một danh hài đã 15 năm qua, với sự yêu mến chân tình. Họ còn réo tên chị, đúng như những gì mà từng thấy chị hóa thân vào nhân vật trên sân khấu, nào là “điêu hết chỗ nói”, hoặc “cái miệng như sôcôla mút dở”. Chưa hết, họ còn chê Vân Dung là “thảo mai, đanh đá, chua ngoa”. Lại nữa rằng, người thì như “màn hình siêu phẳng”... nghĩa là chê hết chỗ nói. Nhưng chính Vân Dung phải công nhận, đó cũng là sự hài hước thể hiện tình yêu của khán giả đối với mình, nên khoái trá, cười sằng sặc. Phải chăng đó là phần thưởng cao quý cho Vân Dung sau bao nhiêu năm phấn đấu và tìm ra được phong cách nghệ thuật của mình.
Nghệ sĩ Vân Dung trong cuộc đi bộ tại sân vận động Mỹ Đình (5/6/2016).
Nốt ruồi định mệnh
Cái nét điêu điêu được chấm một nốt duyên trên mép của cô diễn viên có dáng vóc “đào thế” này. Cho dù mới đây Vân Dung đã được phân một vai chính trong vở kịch cổ điển Quan thanh tra, nhưng chưa đáng nói. Kể cả có thời đóng một vai khá dài trong bộ phim truyền hình Những người độc thân vui vẻ, vẫn lòi ra nét hoạt kê từ dáng đi đến ngữ điệu âm sắc. Không chói lói, chót vót nhưng lại điệu đà đến phì cười. Nghĩa là chỉ có một Vân Dung hài hước, điên điên trong diễn xuất. Đó là duyên phận trời ban. Có người còn trêu Vân Dung về cái nốt ruồi định mệnh ấy chính là điểm son, tạo nên thương hiệu “điêu” mà chẳng ai có được. Vân Dung nghe và chỉ nhoẻn cười chí lý. Vân Dung từng tâm sự, mỗi lần lên sân khấu như bay lên mây, thấy mọi người hạnh phúc và cười thật nhiều là sung sướng nhất cuộc đời. Vân Dung là như thế đó, một nghệ sĩ không chỉ dựa vào duyên phận trời cho; mà đã bền bỉ sáng tạo, với sự thăng hoa kỳ diệu, mỗi khi bước lên sân khấu.