Hà Nội

Hoạt huyết, lợi tiểu nhờ bồ hoàng

SKĐS - Bồ hoàng còn gọi cỏ nến, bông nến, hương bồ thảo, thủy hương. Bồ hoàng là phấn hoa đã sấy khô của cây hương bồ thảo (Typha orientalis G. A. Stuart.) hay một số cây cùng loài Typha, thuộc họ cỏ nến (Typhaceae).

Theo Đông y, bồ hoàng vị ngọt, tính bình; vào kinh can, tỳ và tâm bào. Có tác dụng hoạt huyết trừ ứ, thu sáp, cầm máu, lợi tiểu. Chữa tâm phúc thống, đau do ứ huyết, đau bụng kinh, các chứng xuất huyết (lạc huyết, nục huyết, thổ huyết, niệu huyết, tiện huyết...), chứng huyết lâm, khó đi tiểu và đau. Liều dùng: 4-12g. Để hành huyết nên dùng sống, cầm máu nên sao đen (bồ hoàng thán), cho vào túi vải rồi sắc.

Bồ hoàng (phấn hoa sấy khô của cây hương bồ thảo), chữa đau bụng kinh, các chứng xuất huyết…

Bồ hoàng (phấn hoa sấy khô của cây hương bồ thảo), chữa đau bụng kinh, các chứng xuất huyết…

Một số bài thuốc có bồ hoàng

Trừ ứ giảm đau: Dùng khi đau ngực bụng do huyết ứ, khí trệ; phụ nữ tắc kinh gây đau bụng, đau bụng sau khi đẻ, tiểu ra máu, buốt.

Bài 1 -Bột thất tiêu: bồ hoàng 12g, ngũ linh chi 12g. Các vị làm thành thuốc bột. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 2 lần, quấy với rượu ấm mà uống. Trị huyết ứ tắc kinh, sau khi đẻ huyết hôi không ra hết, đau bụng dưới, các chứng đau khác do huyết ứ.

Bài 2-Bột bồ hoàng hắc thần: bồ hoàng 12g, hương phụ 8g, gừng sao đen 4g, đậu đen 20g. Sắc uống. Trị phụ nữ đau bụng kinh và sau khi đẻ huyết hôi không ra hết.

Bài 3: bồ hoàng 20g, đan sâm 63g, ngũ linh chi 20g. Sắc uống. Trị đau bụng kinh do ứ huyết.

Thu sáp cầm máu: Dùng cho người nhiệt gặp các bệnh chảy máu.

Bài 1- Thang bồ hoàng: bồ hoàng thán 12g, sắc với rượu loãng. Trị ho có đờm, đại tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, tử cung chảy máu.

Bài 2: bồ hoàng thán 20g, liên phòng thán 20g. Sắc uống. Người thể hư nhiều thêm hoàng kỳ 63g, đảng sâm 30g. Trị tử cung chảy máu do công năng.

Bài 3-  Bột bồ hoàng: bồ hoàng 12g, đông quỳ tử 12g, sinh địa 20g. Sắc uống. Trị tiểu tiện rỉ ra máu.

Bài 4: bồ hoàng, ô tặc cốt, liều lượng bằng nhau. Các vị nghiền mịn. Rắc ít bột ở dưới lưỡi, lấy bông thấm nước đun sôi còn ấm, đặt lên, day nhẹ; sau đó lại chấm thuốc. Trị chảy máu lưỡi, mụn trong miệng.

Bài 5: bồ hoàng thán, ô tặc cốt, liều lượng bằng nhau. Các vị nghiền mịn, trộn đều, rắc lên vết thương, liều lượng tùy theo vết thương to nhỏ. Trị chảy máu ngoài da; ấn nhẹ sẽ cầm máu ngay.

Kiêng kỵ: Người âm hư không ứ không được dùng.


BS. Tiểu Lan
Ý kiến của bạn