TS Trần Thị Ngọc Anh – Phó Trưởng khoa Xét nghiệm Huyết học, BV Hữu nghị Việt Đức Hà Nội cho biết, BV Việt Đức mới tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 38 tuổi làm nghề mộc, được đưa vào BV vì bị máy cưa cắt vào 4 ngón của bàn tay trái. Bệnh nhân được chuyển phẫu thuật nối vi mạch nối ngón số 3 và làm mỏm cụt ngón 1, 2, 4. Bác sĩ đã chỉ định dùng thuốc chống đông heparin nhằm tránh tắc mạch máu khi nối. Tuy nhiên, trong quá trình hậu phẫu, tình trạng thiếu máu tăng dần. Bàn tay phẫu thuật có dấu hiệu chảy nhiều máu bất thường.
Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ hemoglobin giảm từ 145g/L còn 75g/L. Bệnh nhân phải truyền 2 khối hồng cầu. Các bác sĩ đánh giá mức độ thiếu máu không tương xứng với thương tổn nên hội chẩn bác sĩ khoa huyết học. Khi hỏi tiền sử sử dụng thuốc, anh H cho biết, anh dùng hoạt huyết dưỡng não hơn nửa năm nay.
“Vì thấy mẹ mình dùng hoạt huyết dưỡng não thường xuyên nên anh H. nghĩ tốt và cùng uống thuốc này với mẹ”. Anh H nói.
Cũng theo anh H, vì làm nghề mộc nên hay bị đứt tay. Tuy nhiên, mỗi lần đứt tay anh H cảm thấy khó cầm máu hơn trước đây. Đến khi bác sĩ thông báo anh mới “ngã ngửa” là do tác dụng phụ của thuốc hoạt huyết dưỡng não anh uống hàng ngày.
Hoạt huyết dưỡng não có chứa ginkgo biloba chính là nguyên nhân gây chảy máu khó cầm khi sử dụng đồng thời với thuốc chống đông heparin
TS. Ngọc Anh cho biết thuốc hoạt huyết dưỡng não có chứa ginkgo biloba chính là nguyên nhân gây chảy máu khó cầm ở bệnh nhân này khi sử dụng đồng thời với thuốc chống đông heparin. Dùng các loại thuốc này mà không theo kê đơn và nếu không kiểm soát có thể dẫn tới các biến chứng.
Đáng nói là ngoài cộng đồng người dân sử dụng thuốc chứa ginkgo biloba rất nhiều không cần kê đơn dưới dạng thực phẩm chức năng, thuốc hoạt huyết dưỡng não. Thuốc được quảng cáo nhiều, giá tiền lại rẻ phù hợp với tất cả những người từ nông thôn tới thành thị. Hoạt huyết dưỡng não được xem như “thần dược” điều trị các bệnh từ hoa mắt chóng mặt, bổ não, thiếu máu não, tăng cường trí nhớ… Trong khi đó, thuốc lại có nhiều tác dụng phụ liên quan tới vấn đề cầm máu.
Mắc bệnh lý nền đừng tuỳ tiện dùng Ginkgo biloba
Cũng theo TS.Ngọc Anh hoạt huyết dưỡng não chứa rất nhiều thành phần khác nhau tùy từng hãng sản xuất nhưng đều chứa ginkgo biloba, ngoài ra có thể có thêm cao lá đinh lăng, Magne, vitamin B1, B2, B12, Coenzym Q10…
Ginkgo biloba được kê đơn cho người bệnh có tổn thương hệ thống thần kinh như chấn thương sọ não, và một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, Ginkgo biloba có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu với collagen nên khi tổn thương mạch máu thì tiểu cầu giảm ngưng tập vào vị trí mạch máu tổn thương gây chảy máu kéo dài hơn bình thường.
TS Ngọc Anh cho biết trên thị trường hiện nay, Ginkgo biloba đã xuất hiện với nhiều tên thương mại khác nhau được sản xuất trong hay ngoài nước từ thuốc đến thực phẩm chức năng đều có.
Do tính chất dược lý liên quan tuần hoàn não và được chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên, nhiều người đã chọn và sử dụng Ginkgo biloba khi có các triệu chứng liên quan tuần hoàn não. Ginko biloba còn ngăn cản việc kết tụ các mảng amyloid- nguyên nhân gây bệnh Alzheimer nên được sử dụng cả cho người mới mắc bệnh này.
Nếu ai đó vừa dùng thuốc chống đông như Sintrom, Heparin, Aspirin vừa dùng thuốc chứa Ginkgo biloba có thể làm tăng tác dụng các thuốc này và làm tăng nguy cơ chảy máu.
“Do đó, những người bị bệnh tim mạch thường được kê đơn sử dụng thuốc chống đông không nên tự ý sử dụng Ginkgo biloba, chỉ dùng khi có đơn của bác sĩ”, TS Ngọc Anh lưu ý.
Khi bị chảy máu, người bệnh cần ngừng sử dụng thuốc chứa Ginkgo biloba. Khi có chỉ định phẫu thuật thường quy có lịch phẫu thuật thì người bệnh cần ngừng sử dụng thuốc chứa Ginkgo biloba 2 tuần trước khi phẫu thuật.
Ngoài ra, Ginkgo biloba có thể gây ra đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, buồn nôn và tiêu chảy nếu người có cơ địa dị ứng với hoạt chất này.
TS Ngọc Anh cũng khuyến cáo, người dân trong trường hợp sử dụng Ginkgo biloba hoặc các loại thuốc, thực phẩm chức năng khi có bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, tuần hoàn ngoại vi, gút, ung thư… nên gặp bác sĩ để được tư vấn một cách kỹ lưỡng, không nên tự ý sử dụng kéo dài mà cần được theo dõi tác dụng và tác dụng không mong muốn.