Hiện nay, các chế phẩm hoạt huyết dưỡng não (thuốc hoặc thực phẩm chức năng) được quảng cáo rầm rộ. Điều này khiến nhiều người khi có các biểu hiện đau nhức đầu hay có các triệu chứng của thiếu máu não, không đi khám bệnh mà chỉ sử dụng chế phẩm hoạt huyết dưỡng não.
Đây là cách chăm sóc sức khỏe có khi là sai lầm, có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm!
Não khi nào cần “dưỡng”?
Bộ não của ta chỉ hoạt động tốt khi được cung cấp đủ lượng máu cần thiết. Nếu lượng máu cung cấp cho não (gọi là tuần hoàn não) bị giảm, ta sẽ bị một số rối loạn, đặc biệt xảy ra ở người già. Nguyên nhân đưa đến tuần hoàn não giảm gồm có: xơ vữa mạch máu não, giảm tiết các chất sinh học được gọi là các chất dẫn truyền thần kinh ở não, thiếu men chuyển hóa, thiếu glucose và oxy cung cấp cho não... Tuần hoàn não kém sẽ đưa đến các rối loạn như: nhức đầu, ù tai, chóng mặt, lo âu, ám ảnh, mất ngủ, trí nhớ kém, thiếu sự tập trung, nặng hơn là lú lẫn, sa sút trí tuệ, loạn ngôn, mất trí nhớ...
hưng có trường hợp rối loạn tuần hoàn não nặng hơn gọi là thiếu máu não cục bộ. Đây là hiện tượng có sự giảm dòng máu trong nhiều giây hoặc một vài phút đến não và làm hoạt động não bị rối loạn nặng. Nếu dòng máu này ngưng chảy lâu hơn một vài phút thì sẽ gây ra bệnh cảnh nặng hơn là nhồi máu não. Nguyên nhân do vật nghẽn mạch từ tim hay từ các mạch máu lân cận di chuyển đến não làm ngưng dòng máu chảy đến. Thường gặp trên lâm sàng là tình trạng thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TMCBTQ) được đặc trưng bằng thiếu máu não trong thời gian dưới 24 giờ. Theo một nghiên cứu, khoảng 30% số bệnh nhân nhồi máu não trước đó có bị TMCBTQ. Vì vậy, phòng và điều trị các cơn TMCBTQ có ý nghĩa dự phòng đột qụỵ. Thủ phạm gây ra tình trạng thiếu máu não cục bộ chủ yếu là do các bệnh lý tim mạch như: xơ vữa động mạch não, bóc tách động mạch, loạn nhịp tim, rung nhĩ, các bệnh lý van tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp...
Thuốc nào cải thiện tuần hoàn não?
Có một số thuốc tân dược được cho là cải thiện tuần hoàn não, tăng cường chuyển hóa tế bào não, hỗ trợ cho các trường hợp lão hóa thần kinh như: cholin alfocerat, glycerylphosphorylcholin, citicholin, vinpocetin, piracetam, pentoxiphylin, cerebrolysin... Hiện nay, ngoài các thuốc vừa kể còn có một số chế phẩm có nguồn gốc dược thảo như: ginkgo biloba (cao chiết xuất từ lá cây bạch quả) hay một số thực phẩm chức năng được gọi chung là chế phẩm hoạt huyết dưỡng não. Mặc dù là dược thảo hay thực phẩm chức năng vẫn có thể gây tác dụng phụ như: ginkgo biloba gây rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, nổi mẩn đỏ... Chưa kể các chế phẩm hoạt huyết dưỡng não gần như không có tác dụng phục hồi sự suy giảm trí nhớ do rối loạn tuần hoàn não. Chính vì vậy, sử dụng khi không bị bệnh nhằm bổ dưỡng thần kinh, hay tăng liều để tăng hoạt hóa vỏ não, tăng trí nhớ là ngộ nhận.
Tìm đúng bệnh để dùng đúng thuốc
Ghi nhận từ các phòng khám sức khỏe cho thấy nhiều người khi có các biểu hiện nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt… bất luận vì nguyên nhân gì đã vội nghe theo lời quảng cáo, tự ý tìm mua các thuốc giảm đau thông thường hay thuốc, thực phẩm chức năng cải thiện tuần hoàn não với niềm tin uống sẽ khỏi bệnh ngay. Riêng tình trạng nhức đầu lại có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Phải tùy vào nguyên nhân cụ thể, thầy thuốc mới có những chỉ định dùng thuốc phù hợp. Những nguyên nhân nhức đầu có thể là: nhức đầu do căng thẳng (do stress), nhức nửa đầu (migraine)… Nhưng có thể do nguyên nhân nguy hiểm như: bướu não, chảy máu trong não, viêm động mạch thái dương (bệnh này có thể gây mù)… Có những cơn TMCBTQ mà bệnh nhân có cảm giác yếu, bị bại, bị liệt đột ngột hoặc mất tiếng nói nhưng có khi không có triệu chứng nhức đầu (đây là tình trạng bệnh nhân bị thiếu máu não, nhưng chưa bị nhồi máu não).
Như vậy, việc người bệnh đau nhức đầu hoặc có các triệu chứng thật sự của TMCBTQ mà lại tùy tiện sử dụng các chế phẩm hoạt huyết dưỡng não khi chưa có ý kiến của thầy thuốc là rất nguy hiểm. Để an toàn cho bản thân, nên đến bác sĩ để được khám. Bác sĩ tùy theo kiểu và mức độ rối loạn tuần hoàn não của người bệnh mà chọn thuốc, liều thích hợp để lập lại cân bằng não; hoặc chữa trị đúng bài bản nếu đó là TMCBTQ.
PGS.TS.DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Đại Học Y dược TP.HCM